Huyện Ninh Hải triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (ocop) giai đoạn 2021-2025

Ngày 26/9/2022, Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Hải ban hành Kế hoạch số 317/KH-UBND về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Ninh Hải giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cụ thể:Đến năm 2025, phấn đấu toàn huyện có trên 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 01-02 sản phẩm tiềm năng 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Ngoài ra, huyện cũng đặt mục tiêu củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Hình ảnh một số sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao, 4 sao

 

Đến thời điểm này, huyện Ninh Hải đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận 16 sản phẩm OCOP, gồm: 05 sản phẩm/04 chủ thể đạt 4 sao (nho NH01-152, nho xanh, táo, tỏi, Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Núi chúa) và 11 sản phẩm/04 chủ thể đạt 3 sao (táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho, hành tím, măng tây, nước mắm Tư Phụng loại đặc biệt, nước mắm Tư Phụng loại thượng hạng).

Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm khi tới du lịch tại Ninh Hải, Ninh Thuận.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tăng cường huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chính để thực hiện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP. Đối với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP.

Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm; thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm để phân phối sản phẩm OCOP tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau./.

                                                                                  Hợp Đoàn ( Phòng NN&PTNT )