Hình tượng người lính
Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, với tư cách là một thành tố cơ bản, hình tượng người lính đã góp phần hình thành nền văn hóa dựng nước và giữ nước đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đếm hôm nay và mai sau Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ; trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc để làm nên những chiến công huyền thoại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Với hình tượng người lính đã khắc sâu trong tâm hồn Việt Nam.
Lịch sử văn hóa Việt đã điêu khắc một tượng đài người chiến sĩ bằng ngôn ngữ của anh hùng ca, của tình yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc, của ý chí căm thù quân xâm lược. Tượng đài ấy luôn sừng sững và tỏa ánh hào quang lương tâm thời đại, công lý chính nghĩa, chân lý lịch sử và đạo lý yêu chuộng hòa bình, vì con người!
Đó là hình tượng người lính anh hùng đặt ý chí tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc lên trên hết trong bài thơ “Thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”. Nếu kẻ thù dám xâm phạm Tổ quốc, đất đai, cương vực của tổ tiên ta, chúng “sẽ bị đánh tơi bời”. Có một cách hiểu, bài thơ được đặt tên “Thần” là một cách vinh danh người lính như “thần” bảo vệ sông núi nước Nam!
Đó là hình tượng những người tướng sĩ trong “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn hăng say học tập binh thư, luyện rèn võ bị để chuẩn bị đánh đuổi kẻ xâm lược Mông Nguyên hùng mạnh nhất thế giới thời ấy. Để rồi có một hình tượng người anh hùng thời Trần cắp ngang ngọn giáo mạnh mẽ, hiên ngang đứng trước lịch sử tràn đầy khát vọng giữ gìn Tổ quốc trong bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão: “Múa giáo non sông trải mấy thu/Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu...”!
Đó là hình tượng “tướng sĩ một lòng phụ tử” vì “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” mà thương yêu, đoàn kết như cha con “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” trong “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi để viết bản anh hùng ca lịch sử đuổi giặc Minh tàn bạo “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”!
Đó là hình tượng người lính nghĩa sĩ Cần Giuộc chỉ với những vũ khí thô sơ nhất nhưng sẵn sàng đem mạng sống của mình liều chết với kẻ thù xâm lược Pháp để giữ gìn đất nước!...
Những người lính ấy là hiện thân của tinh thần yêu nước, thương dân, vì dân, ý chí dũng cảm quật cường để tô thắm những trang lịch sử bằng vàng của dân tộc!
Học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao các giá trị văn hóa của lịch sử, hình tượng người lính thời đại Hồ Chí Minh đã viết thêm những kỳ tích mới, được nhân dân yêu mến gọi là “người lính Cụ Hồ”! Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, “mưa dầm cơm vắt”, “máu trộn bùn non” để làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” đánh dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân cũ núp dưới bóng “khai hóa văn minh” để cướp bóc tài nguyên!
Họ đã trở thành “một Thạch Sanh của thế kỷ 20” để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược là đế quốc Mỹ, để đất nước hát khúc khải hoàn ca thỏa lòng mong ước bao đời của cha ông ngàn năm: Độc lập dân tộc và hạnh phúc vững bền!
Họ trở thành người lính tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ; nhân dân Campuchia ân nghĩa, chân tình gọi bộ đội Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”!
Trong lịch sử nhân loại có lẽ hiếm hoi có một đội quân anh dũng, yêu nước, nhân văn cao cả, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối như đội quân “người lính Cụ Hồ”! Đất nước phải chịu nhiều thiên tai, giặc giã, do vậy ở thời nào, vẫn cái thiêng liêng, cao cả nhất vẫn là sự quyết tâm giữ vững chủ quyền, là sự hy sinh để bảo vệ nhân dân, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Yêu hòa bình và rất mực quý trọng con người nên lịch sử Việt Nam có chính sách “ngụ binh ư nông” rất riêng, tạo nên một đặc trưng của con người Việt Nam truyền thống vừa là nông dân, vừa là người lính. Khi đất nước hòa bình là nông dân, nhưng khi đất nước có giặc thì họ là người lính ra tiền tuyến. Điều ấy góp phần tạo ra một nét bản sắc văn hoá của tâm hồn Việt Nam giàu yêu thương và rất đỗi anh hùng.
Thời đại ngày nay, anh Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục phát huy truyền thống cao nhất với lý tưởng cách mạng “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, để luôn là “thanh kiếm” bảo vệ Tổ quốc. Ở nơi biên giới, hải đảo… xa xôi không chỉ có những cột mốc bằng xi măng cốt thép, mà còn có cả những cột mốc sống canh giữ từng tất đất, canh giữ từng giây phút bình yên cho đất mẹ Việt Nam. Đó là những người lính biên phòng, hải quân, cảnh sát biển…chấp tay súng của tuổi trẻ, với tinh thần “Thép đã tôi…” khi cần sẵn sàng hy sinh cả máu vì đất nước thân yêu.
Mẹ Tổ quốc yên tâm có những đứa con ngày đêm canh giữ đất trời bao la của màu xanh sắc thắm hòa bình, giữ biển ta mãi mãi ngân vang tiếng sóng hoà bình, tự do. Là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, anh bộ đội lại tiên phong trong xử lý ô nhiễm môi trường hay rà phá bom mìn của hậu quả chiến tranh để lại.
Thiên tai ập đến, nơi đó có lũ cuốn, có núi lở, có rừng cháy... nơi đó bộ đội có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của dân. Nơi đồng bằng mưa bão ngập đồng, bộ đội dầm mình gặt lúa giúp dân. Bộ đội làm bác sĩ chữa bệnh. Bộ đội làm thầy giáo dạy trẻ cái chữ. Bộ đội tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật... Ở đâu có bộ đội, ở đó bà con yên tâm. Bộ đội đã đem lại cuộc đời mới cho người dân nơi hẻo lánh nhất. Bộ đội tham gia xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm, có đơn vị vươn ra ngoài thế giới góp phần làm ra của cải, mang thu nhập về cho đất nước. Tham gia đội quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bộ đội thay mặt đất nước tận tụy giúp đỡ, bảo vệ những người dân nghèo khổ nơi châu Phi xa xôi đang cần sự chia sẻ của tình người...
Thiêng liêng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, do dân, vì dân. Quân với dân như máu thịt trong cơ thể Tổ quốc. Quân đội ta từ dân mà ra, được dân quý, dân tin, dân giúp đỡ ủng hộ, Quân đội ta đã tạo ra sự kết tinh cao độ, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, niềm tin, sự chủ động của toàn dân nên mãi mãi sẽ là đội quân vô địch.
Trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua, với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, bộ đội nhường chỗ ở, bộ đội làm bác sĩ, y tá, hộ lý, bộ đội làm “bà nội trợ” đi chợ hộ dân... Bộ đội sống cùng dân, chia sẻ, giúp đỡ những công việc bình thường nhất... “Vì nhân dân phục vụ. Vì nhân dân hy sinh”! Đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính, là lẽ sống, lý tưởng. Đó là tầm văn hóa cao cả của người lính Cụ Hồ!
Ai cũng cần có một tổ ấm. Đất nước khẳng định, ghi nhận sự đóng góp lớn lao vì Tổ quốc, đồng thời cũng rất thấu hiểu trách nhiệm và bổn phận của người lính trong vai trò trụ cột của gia đình riêng. Với tinh thần hy sinh, cống hiến, người lính không đòi hỏi nhưng tấm lòng sẽ đáp lại tấm lòng, cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền địa phương sẽ cùng chung tay giúp người lính thêm ấm lòng, yên tâm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ.
“Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình…ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”. Người lính bộ đội Cụ Hồ sẽ dành phần gian khổ. Tổ quốc (Mẹ hiền) Việt Nam là trên hết./.
BTG Huyện ủy