Múa Náp

Đăng ngày 29 - 01 - 2015
Lượt xem: 1.786
100%

Múa náp là một trong những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân miền biển Ninh Thuận. Trải qua hơn ba trăm năm khai hoang lập ấp, múa náp đã đồng hành với đời sống tinh thần của ngư dân Mỹ Tân. Mỗi đường siêu, thế võ trong múa náp thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông thời mở cõi, nhằm bảo vệ cuộc sống thôn xóm bình yên.

 

 

                                                         Liên hoan Làng Biển Việt Nam - ảnh: Hà Tiên

Nằm cách Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 20 cây số về hướng Đông-Bắc, làng biển Mỹ Tân thuộc xã Thanh Hải, nổi tiếng với nghề đánh cá phát triển thịnh vượng vào bậc nhất của huyện Ninh Hải. Cảng Mỹ Tân tấp nập tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đến neo đậu mua bán hải sản và tiếp tế nhiên liệu. Mỹ Tân còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của làng biển Nam Trung Bộ. Tương truyền cư dân Mỹ Tân ngày nay có nguồn gốc từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến sinh cơ lập nghiệp từ hơn 300 năm trước. Cùng với việc di dân, cha ông mang theo phong tục, tập quán đến vùng đất mới lưu truyền cho con cháu. Những người thuở khai hoang mở cõi được dân làng tôn làm thần hoàng bổn cảnh thờ phụng tại đình làng. Cùng với hát hò bả trạo, hát giao duyên thì múa náp là loại hình văn hóa dân gian mang tinh thần thượng võ có giá trị bền vững trong đời sống cư dân làng biển.

Ông Phạm Ngọc Huề, năm nay 93 tuổi là bậc kỳ cựu ở Mỹ Tân. Ông được mời làm “cố vấn” của làng trong các kỳ lễ hội, cúng tế. Ông Huề cho biết, từ khi ông còn nhỏ đã thấy trong làng có múa náp. Các kỳ cúng đình, cúng lăng Ông Nam Hải đều có múa náp. Đội múa náp thường có từ 8 đến 10 người được tuyển chọn từ các trai đinh có đạo đức, sức khỏe tốt. Ông thủ chỉ hướng dẫn trai đinh rèn luyện việc múa náp theo đúng bài bản. Đội múa chia làm hai hàng chịu sự chỉ huy của đội trưởng theo tiếng gõ ra hiệu cặp sênh được làm bằng gỗ dài chừng 30 cm. Người múa náp đầu chít khăn, mặc quần áo rộng, lưng cuốn đai, chân cuốn xà cạp đi giày vải bó như những đội thủy binh thời xưa. Chiếc náp dài khoảng 100 cm, phần lưỡi dài khoảng 40 cm, hình thức như một thanh đao. Người học múa náp phải mất 3-5 tháng chuyên tâm rèn luyện mới có thể thành thạo thế đánh. Các bài múa náp được truyền dạy với tên gọi dân dã cho dễ nhớ: Bái tổ, ba thoi, đá đầu, đánh cán, đánh lưỡi, nhảy ngựa, tạ hàng ngang, tạ hàng xuôi, sắp mặt, sắp lưng, ra lưng, nhảy trái…

                                                                   Múa Náp - ảnh: Hà Tiên

Sau bài tế, tiếng trống chầu vang vọng, anh Nguyễn Hữu Hà, 37 tuổi cầm cặp sênh gõ nhịp chỉ huy đội múa náp “chiếm lĩnh” sân lễ. Múa náp là những thế võ với cách đánh nhanh, mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện sức chiến đấu bền bỉ của cư dân thời khẩn hoang lập ấp. Lực lượng ngư dân trẻ khỏe sẵn sàng chiến đấu chống giặc giã, thú dữ để bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng. “Chúng tôi rất vui mừng khi được tham gia biểu diễn tại Liên hoan Làng biển Việt Nam năm 2011. Đây là dịp để đội múa náp Mỹ Tân cống hiến cho du khách gần xa nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân làng biển Mỹ Tân. Chúng tôi tiếp tục bảo tồn và truyền dạy các bài múa náp cho thế hệ trẻ thôn Mỹ Tân gìn giữ một loại hình văn hóa đặc trưng của cư dân làng biển Việt Nam”, anh Nguyễn Hữu Hà, phấn khởi nói./.

(Theo Báo Mới)

 

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đình Mỹ Tường(25/02/2015 8:01 CH)

Chùa Trùng Khánh(31/01/2015 8:00 CH)

32 người đang online
°