Không biết tự bao giờ, chỉ biết lâu lắm rồi, con cá liệt ngàn đời ở biển quê tôi đã nuôi dưỡng biết bao con người, biết bao thế hệ. Nó làm nên món canh cổ truyền quen gọi là canh phớt mà tôi nhớ hồi nhỏ, Vú tôi thường dành nấu cho đứa con út của bà ăn mỗi bữa cơm trưa.
Món canh rất đơn sơ, mang tính dân dã, chẳng cầu kỳ như người dân Lưới Chì tôi vậy. Kiếm được chục con cá liệt to bằng ba ngón tay, sau khi đánh bắt về và làm vảy, cho vào nồi nước đang sôi, đoạn bỏ thêm mấy lát cà chua cộng với ít hành ngò, nếu có thì rắc thêm chút tiêu, thế là thành món canh phớt.
Cơm trắng chỉ cần canh phớt với dĩa mắm dầm ớt. Gắp cá liệt tươi rói cho vào dĩa mắm, vẽ một ít thịt cá mềm mà và được tới hai ba miếng cơm, ngon sao ngon lạ ngon lùng!
Về đây – về với người dân biển Lưới Chì lam lũ quê tôi là nhớ đến món cá liệt nấu canh phớt. Gạo trắng cá tươi nuôi đời tôi ăn học. Trải bao thăng trầm phàm thế, cá liệt vẫn còn đó, vẫn lành tính, vẫn chiếm hạng độc tôn qua món canh phớt đạm bạc. Cá liệt đã ngấm vào da thịt người dân quê tôi. Từ thằng bé xóm trên cho đến cụ già cạnh bờ kè, tất thảy ít nhiều đều đã được ăn canh phớt.
Tôi cũng như bao người trong xóm, vươn vai lớn dậy nhờ con cá liệt. Canh phớt tựa như mạch suối nguồn tạo dòng chảy trong tôi, thúc tôi khôn lên, biết làm người…
Cứ sau mỗi bữa canh phớt ngon lành, lòng tôi lại sáng lên một ý nghĩ nhân bản: thầm biết ơn người dân biển quê tôi vững vàng đầu sóng ngọn gió, gắng mang cá liệt về giữa buổi chợ làng đông vui, an thái.
Tôi những thầm mong và lạy trời lặng gió để được tô canh phớt ấm lòng chờ tay người chan khi những buổi trưa về…