Địa danh và thắng cảnh Ninh Hải - Tài liệu phục vụ khách du lịch.

Đăng ngày 12 - 11 - 2017
Lượt xem: 5.867
100%

Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở Ninh Hải. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Hải lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020 ghi rõ: “Đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện”. Huyện Ninh Hải có những lợi thế để phát triển một nền du lịch bền vững với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa. Với lợi thế đó, Ninh Hải có thể phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá… Để làm được điều đó cần phải có một chiến lược phát triển lâu dài và những giải pháp đồng bộ trong đó cần chú ý phát huy các giá trị truyền thuyết, huyền thoại trong phát triển du lịch. Để quảng bá cho du lịch vấn đề được đặt lên hàng đầu là phải giới thiệu cho du khách về con người và mảnh đất Ninh Hải. Hiểu biết về một vùng đất có thể thông qua nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa trong đó yếu tố văn hóa thường được du khách quan tâm hàng đầu. Trong văn hóa người ta quan tâm nhiều đến các di tích lịch sử- văn hóa những dấu ấn của người xưa để lại. Tìm hiểu các di tích người ta có thể cảm nhận lịch sử của một vùng đất, những giá trị sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc nhưng điều quan trọng hơn chính là đời sống văn hóa, không gian văn hóa tiềm ẩn trong mỗi di tích. Khi đến tham quan một di tích, danh thắng du khách không chỉ cảm nhận vẻ đẹp, giá trị có thể sờ thấy được mà người ta còn cảm nhận những giá trị lưu giữ bên trong nếu được giới thiệu. Chính truyền thuyết, huyền thoại là phần hồn của các di tích lịch sử - văn hóa đó. Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải đã sưu tầm, lựa chọn, ghi chép, biên soạn, thống kê những câu chuyện truyền thuyết về các điểm di tích trên địa bàn huyện để phục vụ khách du lịch. Trong tài liệu này chúng tôi có tham khảo và sử dụng tác phẩm, tác giả sau: Báo An ninh Thế giới; Báo Ninh Thuận; Non Nước Ninh Thuận - Nguyễn Đình Tư; Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận; Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận; Nhà báo Nguyễn Hồng Lam, Nhà báo Thái Sơn Ngọc, Nhà nghiên cứu văn hóa Đình Hy, Sử Văn Ngọc và các nguồn tài liệu khác. Trong quá trình biên soạn tài liệu sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc và du khách để tiếp tục hoàn thiện tài liệu phục vụ bạn đọc và du khách tốt hơn. Tài liệu chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi đóng góp xin trao đổi qua địa chỉ: hvtien@ninhthuan.gov.vn. Điện thoại: 068.3873582. 068.3873.065 Trân trọng!

 

  1. I.      Thị trấn Khánh Hải

Thị trấn Khánh Hải trước kia (1946) gọi là xã Dân Chủ gồm 04 thôn (Ninh Chử, Dư Khánh, Văn Sơn và Nhơn Sơn). Năm 1950, đổi tên là xã Thuận Khánh thuộc huyện Thuận Bắc, sau đổi tên lại là xã Bắc Khánh. Đến cuối năm 1975, xã đổi tên là xã Khánh Hải bao gồm 3 làng Dư Khánh, Ninh Chử và Nhơn Sơn. Đến năm 1980, Nhơn Sơn tách về xã Văn Hải, xã Khánh Hải còn lại 02 thôn Dư Khánh và Ninh Chử thuộc thị xã Phan Rang- Tháp Chàm. Tháng 7 năm 1991, Khánh Hải trực thuộc huyện Ninh Hải. Đến năm 1994, xã Khánh Hải được công nhận là thị trấn theo Nghị định số 42/CP ngày 28/5/1994 của Chính phủ.

Thị trấn Khánh Hải là trung tâm hành chính, kinh tế – văn hóa xã hội của huyện Ninh Hải nằm về phía Đông và cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm 5 km, diện tích tự nhiên 1.080 ha. Dân số 3.660 hộ/15.767 khẩu, đa số là dân tộc kinh, một số ít là người Việt gốc Hoa, gồm có 10 Khu phố, 84 tổ nhân dân tự quản, 10 tổ bảo vệ dân phố. Có lợi thế về phát triển du lịch biển, có điều kiện tiềm lực phát triển về dịch vụ, du lịch thương mại, đa ngành nghề.

Là thị trấn đồng bằng duyên hải, được hưởng nhiều thiên nhiên ưu đãi ban tặng  các danh lam thắng cảnh như biển Ninh Chử một trong chín bãi biển đẹp của cả nước, Đầm Nại, di tích văn hóa về kiến trúc nghệ thuật Đình Làng Dư Khánh, Đình Ninh Chử, di tích lịch sử núi Cà Đú là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Ninh Thuận và Núi Đá Chồng thắng cảnh đẹp...

1.Núi Đá Chồng

Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, không ít người có thú vui lên núi Đá Chồng (nằm trên địa bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) thưởng ngoạn phong cảnh. Chọn núi Đá Chồng xuất hành trong ngày đầu năm bởi đây là ngọn núi đẹp, độc đáo. Khách lần đầu đến chắc chắn phải ngỡ ngàng trước sự khéo sắp đặt của “bàn tay tạo hóa”. Giữa một vùng đất bằng phẳng, nằm sát biển, bất ngờ nổi lên một ngọn núi với vô số tảng đá đủ các hình thù lớn nhỏ nằm chồng chất lên nhau. Một buổi ban mai, khi ánh mặt trời vừa nhô lên từ biển, đứng trên cao ngắm nhìn, chợt thấy núi Đá Chồng đẹp tựa như tranh. Vô số hòn đá nhẵn bóng tiếp nhận ánh mặt trời chuyển đổi sắc màu huyền ảo. Người giàu cảm xúc tha hồ tưởng tượng nhưng nhìn tổng thể, núi lại giống một con chim Phụng khổng lồ, nên các nhà địa lý xưa gọi núi Đá Chồng là “Phụng Sơn”. Do có thế “địa linh”, nên từ lâu con người đã xây dựng một số công trình thờ tự trên núi, như chùa Trùng Sơn, Trùng Quang, Văn miếu thờ Khổng Tử và mới đây là Thiền viện Trúc lâm Viên Ngộ. Cảnh trí tĩnh mịch, khiến cho con người mỗi khi lên đây như trút bỏ được ưu phiền, tâm hồn thanh thản.

Không riêng gì người dân quanh vùng, mà du khách phương xa khi đến nghỉ dưỡng ở khách sạn Sài Gòn - Ninh Chử, tò mò leo lên núi, thấy cảnh vật kỳ thú, thốt lên: “Núi ở đây lạ thật, cây không mọc từ đất mà ngoi lên qua các khe đá”. Những cây duối mọc len lỏi ở ngách đá ước chừng hàng trăm năm tuổi, nhưng chỉ cao hơn tầm đầu, vươn cành là tà đủ che mát cho vài người.

Nhắc đến núi Đá Chồng, người ta nghĩ ngay đến những huyền thoại mang đậm màu sắc thiêng liêng kỳ bí đã từ lâu được truyền tụng trong dân gian. Chính huyền thoại về núi Đá Chồng đã góp phần nâng tầm giá trị của ngọn núi này lên một vị thế rất cao và trở thành một điểm du lịch tâm linh đã được khách du lịch gần xa thưởng ngoạn. Chuyện kể rằng dưới chân núi có một tảng đá hình tam giác nhọn, màu đất sét, chiều ngang cỡ 3m, chiều cao 6m dựng đứng cả ngàn năm nay. Đây được gọi hòn Đá Dao bởi hình dáng tựa lưỡi dao. Đối diện cách đó chừng 1km, nơi có hòn đá tựa Mặt Quỷ ở núi Tân An, xã Tri Hải mà tương truyền người dân Ninh Hải hay nói: “Đá Dao kị Mặt Quỷ”. Vậy mà năm 1975, nó bỗng đổ, cứ như ai dùng một sức mạnh cơ học nào bật xuống.

Theo nhiều người dân ở thị trấn Khánh Hải và nhiều người phụ nữ ở thôn Bình Sơn nay là khu phố 3, Phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm lúc ấy đang làm ruộng dưới chân núi Đá Chồng nhớ lại: Khoảng 4 giờ chiều thì nghe một tiếng rền rất to. Ngước nhìn lên thấy rõ hòn Đá Dao sụp xuống, chỉ còn trơ phiến đá làm đế. Mọi người chạy lên xem rất đông, xôn xao về một điềm báo gì đó. Vị sư trụ trì chùa Trùng Khánh nhận định ngay lúc ấy: “Dao ngã nước nhà tất thống nhất”. Điều dễ thấy nhất là không bao lâu Tổng thống Mỹ Ních-xơn từ chức. Trên địa bàn Ninh Hải lại xảy ra nhiều sự kiện lạ lùng khác. Sâu bọ ở đâu xuất hiện nhiều vô kể, băng qua đường nhựa và cầu Lăng Ông. Kế đến là vụ bướm bay từng đàn rợp trời. Điều gì đến đã đến. Trước sức tấn công như vũ bão thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 16-4-1975 tỉnh Ninh Thuận được giải phóng. Ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước giang sơn thu về một mối.

Huyền thoại núi Đá Chồng (theo Báo An Ninh Thế Giới)

Tháng 3/1971, để chắc thắng, Nguyễn Văn Thiệu đã bày ra trò bầu cử độc diễn ghế tổng thống bất chấp sự phản đối, tẩy chay mạnh mẽ của sinh viên, học sinh và đa số nhân dân miền Nam. Cưỡng bức và gian lận, ngày 6/3/1971, Thiệu tuyên bố tái đắc cử ghế Tổng thống với tỉ lệ 94,36% số phiếu! Kết quả dối trá này được hợp thức hóa bởi sự công nhận của Tối cao Pháp viện Sài Gòn vào ngày 22/10/1971, chính thức đưa Nguyễn Văn Thiệu, lần thứ hai, ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Không chờ đến tận ngày được công nhận, ngay sau khi tự tuyên bố đắc cử, Nguyễn Văn Thiệu theo truyền thống Khổng học đã đưa gia đình về thăm quê, thắp hương mộ tổ và úy lạo dân chúng.

Năm 1951, Nguyễn Văn Thiệu cưới vợ, bà Nguyễn Thị Mai Anh, con gái một gia đình Công giáo toàn tòng Mỹ Tho, Tiền Giang. Do đó, năm 1957, Nguyễn Văn Thiệu được rửa tội và trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, tập quán, truyền thống gia đình thì Nguyễn Văn Thiệu vẫn cố nhớ. Trong chuyến về thăm quê năm 1971, Thiệu đã đến núi Đá Chồng, một ngọn núi nhỏ nằm giữa hai thị trấn Khánh Hải phường Văn Hải, ngoại ô thành phố Phan Rang để thắp hương hành lễ tạ ơn ở hai nơi: Trùng Sơn tự trên đỉnh núi và Văn Thánh miếu ở lưng chừng núi.

Trong đoàn người “vinh quy bái tổ”, Tổng thống mới tái đắc cử cũng không quên mang theo cả một thầy địa lý, tử vi thuộc hàng “cao thủ” để chấm “long mạch”, đoán trước việc tương lai nhằm giúp ông giữ yên ngôi vị. Sau khi xem xét kỹ núi non địa thế, thầy phán: “Chóp phía bắc ngọn núi Đá Chồng có một tảng đá rất lớn, hình lưỡi dao, đó chính là vật “yểm mệnh” của Tổng thống. Khi nào tảng Đá Dao đổ thì ngôi Tổng thống của ngài mới có thể đổ”.

Núi đã tồn tại hàng triệu triệu năm mà không đổ thì không có lý do gì để đổ trong giới hạn ngắn ngủi của một đời người? Lời phán truyền chỉ là sự xu nịnh. Nhưng, quá mê tín, Nguyễn Văn Thiệu vẫn tin. Ngọn Đá Dao đứng chênh vênh nhìn về phía đông bắc, hướng thôn Tri Thủy, quê Thiệu. Ngay trước mặt nó còn có 3 tảng đá lớn chồng lên nhau, dân gian gọi là tảng đá Mặt Quỷ nằm ở thôn Tân An, xã Tri Hải. Thầy lại phán thêm: “Tổng thống cầm tinh Giáp Tý. Nếu vượt qua được năm kị Ất Mão 1975 thì mệnh đế vương sẽ vững như bàn thạch núi Đá Chồng...”.

Nghe lời “thầy”, Nguyễn Văn Thiệu đã tìm cách “ém” long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ. Ông ta ra lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công, án chóp phía bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu. Công trình hoàn tất, một trung đội biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ Văn Thánh miếu và ngọn Đá Dao, bởi Thiệu luôn nơm nớp lo sợ quân Giải phóng ở núi Cà Đú và các rặng núi lân cận sẽ tràn về phá tan núi Đá Chồng - nơi có “lá bùa hộ mệnh”. Tiếp đó, một sân bay dã chiến dành đáp trực thăng và cầu cảng Ninh Chử cũng được gấp rút xây dựng, nằm cách núi Đá Chồng chỉ non 1 km.

Đón Nguyễn Văn Thiệu, các bô lão ở địa phương đã khuyên ông Tổng thống vừa đắc cử nên đại xá tù nhân và làm những việc có lợi cho dân sinh. Nguyễn Văn Thiệu chỉ nghe theo một nửa. Ông ta cho xây chợ ở Bình Sơn, bệnh xá ở Ninh Chử, và rải nhựa tuyến đường nối từ cảng Ninh Chử về Phan Rang… Tiếp đó, Thiệu lại đưa thêm khá đông dân di cư của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về định cư rải rác quanh thị trấn Khánh Hải tạo thành tấm lá chắn cho nơi chôn rau cắt rốn của mình... Trong khi đó, việc đại xá tù nhân, Nguyễn Văn Thiệu không hề màng tới.

Tháng 1/1975, quân Giải phóng đánh chiếm Phước Long, “biến cố Ất Mão” như lời thầy tử vi phán cho đời Thiệu đã bắt đầu. Đúng lúc Thiệu đang ký đơn xin từ chức của tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh quân đoàn III, vùng III chiến thuật thì ông ta nhận được hung tin: Ngọn Đá Dao bị đổ, lòng đầy hoang mang, Thiệu cố trấn an tinh thần bằng lời giải thích: “Không phải sét đánh mà là Việt Cộng đặt chất nổ để phá Đá Dao”.

Tiếp theo, tiết Kinh trập (sâu nở) mùa xuân năm 1975, toàn vùng Văn Sơn, Bình Sơn, Khánh Hải, Ninh Chử đột nhiên xảy ra một trận thiên địch lớn chưa từng thấy. Hàng đàn sâu các loại xuất hiện dày đặc, quét hết đợt này, đợt khác lại xuất hiện. Làng Bình Sơn trồng rất nhiều những cây keo. Dân cho rằng, sâu từ trên cây keo xuất hiện, liền hè nhau đốt trụi các rặng keo trong làng. Vẫn không ăn thua, sâu vẫn tiếp tục xuất hiện, nhiều vô kể. Tại núi Đá Chồng, sau lưng Văn Thánh miếu, trong các hốc đá của hòn Đá Dao bị vỡ, sâu và bọ hung cũng xuất hiện lũ lượt. Chúng túa ra, bò hàng đàn qua lộ và nối nhau mất hút ra phía biển. Trước hiện tượng thiên địch kỳ lạ ấy, đám ngụy quân trong vùng tỏ ra hết sức hoang mang lo sợ, trong khi dân chúng thì kháo nhau: vận ông Thiệu đã hết!

Ngày 02/4/1975, Nha Trang giải phóng, ngụy quân cuống cuồng kéo nhau theo quốc lộ 1 chạy về phía Phan Rang. Để ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng, địch cho giật sập cầu Du Long. Theo đề xuất của tướng Fredrich C.Weyand - Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đến Sài Gòn ngày 28/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu quyết định lập phòng tuyến Phan Rang để chặn bước tiến của quân Giải phóng hòng cứu vãn tình thế. Vùng Ninh Hải, Phan Rang, quê hương Thiệu trở thành tuyến phòng thủ cho cơ đồ đang thoi thóp của ông ta. Thiệu ra lệnh sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận của Quân khu II vào Quân khu III (ngụy), lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III, cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh, đại bản doanh đặt tại sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Quân lực cho phòng tuyến tử thủ này được tăng cường tối đa. Ngoài các đơn vị có sẵn, Thiệu còn tăng cường cho phòng tuyến Phan Rang thêm Lữ đoàn 2 dù, Lữ đoàn 3 biệt động quân, Sư đoàn Không quân số 6 với 100 máy bay các loại và 1 tiểu đoàn pháo. Tổng cộng, trên khắp mặt trận mới mở thuộc 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thiệu đã ném vào canh bạc cuối cùng hơn 75.000 quân các loại. Được hà hơi tiếp sức, ngụy quân ở Phan Rang vẫn bình chân như vại, không hay biết rằng vận mệnh của chúng đang đổ sụp và không thể cưỡng.

Ngày 8/4/1975, trong khi dinh Độc Lập của Thiệu ở Sài Gòn bị phi công Nguyễn Thành Trung đánh sập thì cách đó hơn 370km, tại mặt trận Du Long (thuộc huyện Thuận Bắc), quận Ninh Hải, Ninh Thuận, Trung tá Vũ Quốc Bảo, chỉ huy biệt động quân vẫn ra trận với bộ quân phục ủi cứng ly gắn đầy mề đay và đôi ủng đánh xi bóng lộn (?!).

Đó chỉ là sự lên gân giãy chết cuối cùng. Chỉ một tuần sau đó, sức tiến công vũ bão của cách mạng đã đập nát tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống 1.665 ngụy quân, 11 xe tăng, thiết giáp và 51 máy bay nguyên vẹn. Ngày 16/4/1975, tại xóm Dừa, phường Đô Vinh (Tháp Chàm) Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn III ngụy gồm Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và toàn bộ sĩ quan tùy tùng đã bị bắt gọn trên 3 chiếc xe bọc thép. Trước đó, ngày 13/4/1975, trước khi cướp tàu tại cầu cảng Ninh Chử để chạy trốn ra biển, Thiếu úy Nguyễn Vạng, kẻ chỉ huy trung đội lính bảo vệ núi Đá Chồng đã bắn chết người cai quản Văn Thánh miếu, rồi cùng lính tráng xô vào đập nát các bệ thờ, cạy cả mái ngói để “tìm vàng ông Thiệu giấu”. Chốn kỳ vọng của Nguyễn Văn Thiệu trở thành sân khấu thảm kịch!

Có thể nói sự sụp đổ của Nguyễn Văn Thiệu đã bắt đầu ngay chính tai quê hương của ông ta - nơi Thiệu đã đổ bao nhiêu tâm huyết, niềm tin để yểm “bùa” và xây chiến lũy cơ đồ. Ngày 26/4/1975, từ sân bay Thành Sơn vừa giải phóng, phi đội 5 chiếc A-37 do Nguyễn Thành Trung chỉ huy đã giội bom xuống Sài Gòn. Trước đó 5 ngày, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải ngậm ngùi lên đài đọc lời từ chức, thú nhận sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn và chính bản thân ông ta, để rồi sau đó chạy ra nước ngoài sống hết những năm còn lại trong kiếp lưu vong không Tổ quốc.

Ước nguyện và lá số “làm vua vĩnh cửu” của Nguyễn Văn Thiệu đã không linh nghiệm, dù vị Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã cố sức để sắp đặt ở cả hai cõi âm dương. Cái duy nhất Nguyễn Văn Thiệu để lại được trên quê hương của ông ta chỉ là một “huyền thoại” về núi Đá Chồng, “huyền thoại” về sự sụp đổ.

 Núi Đá Chồng thực sự là một thắng cảnh đẹp. Gần đây, nhất là khi Thiền viện Trúc lâm Viên Ngộ được xây dựng, những ngày lễ, tết, hàng trăm người từ mọi nơi đổ về dâng hương, niệm Phật, du khách theo tour du lịch về đây thưởng ngoạn ngày càng đông đúc, xem đây là điểm du lịch tâm linh của Ninh Hải. Xuân này, bạn thử lên núi Đá Chồng vãng cảnh, để biết được quê hương Ninh Hải nơi nào cũng đẹp.

 

     

                                                                                          Núi Đá Chồng – ảnh Hà Tiên

Vãn cảnh Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ

Với kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo kết hợp hài hòa thiên nhiên mây trời, non nước, làng mạc, đầm phá... Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ khiến nhiều lữ khách ngỡ ngàng. 

Thiền Viện nằm tọa lạc tại lưng chừng thắng cảnh núi Đá Chồng, thuộc thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 5km về hướng đông bắc. Nơi đây được xem là địa linh của vùng đất nắng gió, là thiền viện lớn nhất tỉnh Ninh Thuận dưới sự chủ trì của Đại Đức Thích Thông Huệ. Đại sảnh Thiền Viện được thiết kế và xây dựng khá đơn sơ, nhưng không kém phần trang nghiêm và linh thiêng, là nơi đón tiếp người dân đến thắp hương cầu nguyện.Thiền viện trước kia có tên gọi là Phụng Sơn, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ quý với hai khu riêng biệt: Tăng viện và Ni viện và được thiết kế với các mái chùa lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, các tượng Phật và nhiều khu đền thờ nằm từ giữa núi cho đến đỉnh.

Vào những ngày rằm, các dịp nghỉ lễ, du khách đổ về đây rất đông, không chỉ để thắp hương cầu may mắn, xin lộc mà còn có dịp thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên từ trên cao. Chậm rãi bước chân trên con đường đá dẫn lên đỉnh núi Đá Chồng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Thiền Viện và phóng tầm mắt ra xa một bên là thị trấn Khánh Hải mờ mờ ảo ảo trong sương sớm, Đầm Nại đang uốn mình thơ mộng; chính giữa là bãi biển Bình Sơn - Ninh Chử với làng cát trắng, biển xanh, sóng vỗ rì rào và bên kia là thành phố Phan Rang Tháp Chàm đang vươn mình phát triển.

Những thửa ruộng đang mơn mởn xanh màu mạ non, những ngôi làng thấp thoáng dưới chân núi, những ngư dân đánh cá khua thúng chèo thuyền trên Đầm Nại mênh mang sóng nước, hay những đàn hải âu tung cánh giữa trời xa… luôn cuốn hút và níu chân du khách mỗi dịp ghé thăm.

Giữa một không gian gần gũi với thiên nhiên, một bầu không khí uy nghiêm, thanh tịnh và yên tĩnh, du khách sẽ có cảm giác thư thái, thả hồn mình theo tiếng chuông ngân vang hòa trong gió biển vi vu, chiêm nghiệm về cuộc sống, nhân sinh, cuộc đời…Để chuyến tham quan tăng sức hấp dẫn và thú vị, du khách có thể tham quan và khám phá danh thắng Núi Đá Chồng gần đó, vi vu sóng nước trên Đầm Nại, chèo thuyền ngắm hoàng hôn trên Hòn Tịnh, Hòn Thiên hay rong ruổi về Phương Cựu ngắm cánh đồng muối trắng và tung tăng trong sóng biển Ninh Chử - Bình Sơn.

2. Chùa Trùng Khánh

Ngôi cổ tự Trùng Khánh được xây cất gần với núi Phụng Sơn (tục gọi là núi Đá Chồng) xoay về hướng Nam nơi gió biển lộng và phía Tây Bắc là Đầm Nại nổi tiếng về danh lam. Xét về địa thế, đây là vùng hội tụ của mãnh đất “địa linh nhân kiệt” sản sinh ra nhiều nhân tài làm rạng rỡ khắp mọi vùng xưa nay.

Nhìn toàn cảnh, ngôi cổ tự được bao bọc bởi cánh đồng lúa quanh năm tươi tốt lẫn với hàng dừa xanh che mát. Trước chánh điện, một khoảng sân rộng có ao sen, giữa hồ có Quan Thế Âm và phía sau chùa là một cụm núi sừng sững với hòn núi sau lưng như một trái Phật thủ và một ngòi bút kỳ sơn. 

Chùa với kiến trúc theo kiểu hình chữ “Tam”, gồm phần trước là chánh điện theo phong cách kiến trúc chùa Từ Đàm – Huế nhưng có một vài nét sáng tạo thông qua các gốc uốn của các đầu đao và với kiểu mái chồng diêm phía trước như hấp thụ phong cách của các kiến trúc ngôi chùa Nam bộ. Ở những điểm uốn cong của các đầu đao là phần trang trí gốc loại hoa sen được cách điệu hóa. Trên những mảng hở giữa mái diêm chồng bốn góc mái phần trên hệ thống đầu đao. Trên nóc đỉnh được bố trí theo hình thuyền với hai con rồng chạm nổi đang quay đầu lại cùng chầu bánh xe pháp luân được đặt trên mình hai con rồng uốn cong phần mình tạo cho thế chuyển động của bánh xe thêm phần hoành tráng. Khoảng hở giữa hai phần mái và đỉnh được xây dựng tạo nên các ô cửa giả trang trí hình hoa sen, phần giữa có trang trí hình chữ “Vạn”. Trước chánh điện là tam đa môn truyền. Hai bên cánh cửa là lầu chuông trống với phần trước hai ổ cửa giả hình vuông tranh trí hình hoa và lá sen. 

Đi vào không gian thờ tự với phần trung tâm thờ Đức Bổn Sư, hai bên tả hữu là tượng Hộ Pháp, Thần Vương, Già Lam Thánh Chúng, tạc theo thể đứng, phần đài thờ dưới tôn trí tượng Đức Phật nhập niết bàn và tượng Phật Di Lặc cở nhỏ, phía sau tượng Đức Bổn Sư là khám thờ tôn trí tượng Tam Tôn “Di Đà, Quan Âm, Thế Chí” được làm bằng đất sét với những đường nét điêu khắc sắc sảo, nếp áo mềm mại có giá trị mỹ thuật cao, phản ánh trình độ kiến tạo tượng Phật của các nghệ nhân Ninh Thuận đạt đến mức hoàn hảo.  

Hai bên chánh điện phía bên phải là bàn thờ đức Quan Thế Âm và bên trái là Ngài Địa Tạng được tạc theo thế ngồi uy nghiêm và tỉnh tọa. nối tiếp khuôn viên chánh điện là hậu tổ với trung tâm bàn thờ tổ tôn thờ Tổ Sư Đạt Ma và Chư vị Tổ Hữu Công, ngoài ra còn tôn thờ các long vị, bài vị các Tổ khai sơn, phát triển hoằng dương đạo pháp tại ngôi cổ tự Sắc Tứ Trùng Khánh. Nối tiếp hậu Tổ là nhà tăng mở rộng ăn thông qua phía tay phải và phần dãy lầu mới xây dựng dùng làm phòng khách cũng là văn phòng Ban Đại diện huyện Ninh Hải.

Theo lịch sử truyền thừa vào đầu thế kỷ 19 có Tổ sư Huệ Khánh ở chùa Phước Quang thuộc tỉnh Phú Yên tìm về vùng Dư Khánh lập thảo am tu hành. Ban đầu, Ngài kiến tạo hang đá và ẩn tu trên núi Trùng Sơn, nhưng với uy đức thâm uyên, Ngài thường hiện diện cứu giúp nhân dân, bổn đạo thập phương tìm đến rất đông. Ngài quyết định lập thêm một thảo am khác lấy tên là Phước Long Thiền Viện. Đến năm Đinh Tý (1857) dưới triều vua Tự Đức mới xây dựng ngôi Thiền Viện này bằng gạch ngói và đổi hai chữ Thiền Viện thành ra Tự Hóa Đạo. Một thời gian sau, Tổ viên tịch hưởng thọ 86 tuổi. Kế tiếp sự nghiệp của Tổ có Ngài Phổ Đạt, trong thời gian hành đạo Ngài đã chuyển dời ngôi chùa lại chổ cũ vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) đồng thời cải hiệu chùa là Long Khánh Tự. Khi già yếu, Ngài truyền cho Thượng Túc đệ tử là Tam Tổ Chơn Niệm. Tổ Chơn Niệm là một danh Tăng nổi tiếng khắp vùng nên được vị phu nhân Quan Đạo Ninh Thuận cung thỉnh Ngài vào Nam hóa độ. Ngài vào Nam cùng Hòa Thượng Phi Lai Châu Đốc mở mang Phật pháp khắp vùng lục tỉnh bấy giờ, nhưng chỉ một thời gian sau Ngài quay về lại Ninh Thuận nhận thấy cụm núi đầu làng Dư Khánh là nơi thắng tích có thể mở mang đào tạo tăng tài mai sau nên Tổ đã trực tiếp bàn với hương sư là ông Trần Thượng Quýnh có uy tín nhất làng hoàn đổi lấy tranh Ngũ Hành để tạo ngôi cổ tự. Riêng chùa Long Khánh trao lại cho ấp Khánh Sơn lập Miếu Ngũ Hành. Được thôn thừa nhận, Ngài lại vào Nam vận động tài lực đến năm Giáp Tý (1924) chùa được hưng công xây dựng đồng thời đổi hiệu chùa là Trùng Khánh. Chùa xây dựng đến năm Ất Sửu (1925) thì hoàn thành và làm lễ lạc thành. Đến Năm Đinh Mão (1927), tại chùa Trùng Chơn Niệm làm Hòa Thượng đà đầu truyền giới. Năm Kỷ Tỵ (1929), Tổ thị tịch hưởng Thọ Như Đăng tiếp tục xiểng dương chánh pháp. Năm Ất Hợi (1935), giáo thọ Như Đăng thị tịch, không có đệ tử kế thừa nên Pháp đệ của Tổ Chơn Niệm là Hòa Thượng Bửu Hiền đang ở chùa Phước An – Giuồng – Tuy Phong ra kế vị đến năm 1957 Hòa Thượng viên tịch. Sau 3 năm cư tang an tịnh, giáo hội cũng như môn đồ pháp quyến đã đồng suy tôn Hòa Thượng Húy Trừng Lộc Thượng Minh Hạ Tâm làm trù trì kế thừa đời thứ 4. Vào năm Kỷ Hợi (1959) cho đến năm 1994, Hòa thượng an nhiên thu thần nhập diệt đồng thời di chúc và truyền thừa lại cho Đệ tử là Thượng Tọa Thích Thiện Pháp đảm nhiệm trù trì đời thứ 5 của Sắc Tứ Trùng Khánh Tự. Ngày 10 tháng 5 năm 1996, Thượng Tọa Thích Thiện Pháp đã làm giấy uỷ nhiệm cho Thượng Tọa Thích Minh Phú với chức danh phó trù trì thay mặt Thượng Tọa xem xét mọi công việc Phật sự.

Tổ đình Trùng Khánh vào những năm đầu thế kỷ 20 được xem là nơi đào tạo tăng tài hưng khởi nhất với công đức sâu dày của Tam Tổ Chơn Niệm tạo tiền đề cho Phật giáo Ninh Thuận phát triển một cách mạnh mẽ về sau. Chính vì những tầm vóc lớn lao đó nên triều đình nhà Nguyễn đã chính thức phong cho chùa với Sắc Tứ Trùng Khánh Tự năm Bảo Đại thứ 10. 

Trùng Khánh ngày nay là một trong những danh lam cổ tự có cảnh đẹp nên thơ nổi liền với khu du lịch Ninh Chử - Đầm Nại và vịnh Vĩnh Hy.

                 

                                                                                Sắc Tứ Trùng Khánh Tự - ảnh Hà Tiên

4. Đình Dư Khánh (Đình làng Nại)

Đình làng Nại hay còn gọi là đình Dư Khánh, tọa lạc tại thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, một công trình kiến trúc lịch sử văn hoá của làng Nại, đã được nhà nước công nhận là công trình di tích kiến trúc lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Từ bao đời nay, cây đa - đình làng Nại, là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Làng Nại.

Hình ảnh cây đa, đình làng, giếng nước, bụi tre, vườn cây, ao cá…là những hình ảnh thân thương mang tính đặc trưng của làng quê Việt Nam. Từ bao đời nay, cây đa - đình làng Nại, là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Làng Nại – Dư Khánh, Khánh Hải, Ninh Hải.

Đình Làng Nại được xây dựng theo kiến trúc cổ, kiểu nhà rường Trung Bộ, các cấu kiện cột kèo, xuyên, trếng, đòn tay đều được làm bằng gỗ  có chạm trổ hoa văn, hình lưỡng long chầu nguyệt, chim phượng… được trang trí bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ tinh xảo . Vì vậy đình Làng Nại mang đậm dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống.

Đình làng không chỉ là nơi thờ phụng Thành hoàng, vị thần của làng, các bậc tiền hiền có công với làng, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá gắn bó với cộng đồng cư dân Làng Nại. Đình làng là nơi trang trọng và thiêng liêng, nó đại diện và là biểu tượng của Làng Nại. Trước ngôi đình có cây đa cổ thụ, bóng râm mát quanh năm. Cây đa như biểu tượng thiêng liêng của sức sống vững bền, chở che cho dân làng. Ngôi đình còn là chứng tích tâm hồn và nhân chứng lịch sử gắn bó mật thiết với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Làng Nại. Chính vì vậy, Cây đa - Đình  làng Nại trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, cho cuộc sống của những người dân Làng Nại.

 Thời xưa, đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước khách, hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt, họp việc làng… Sân đình là nơi tổ chức các lễ hội nhân các dịp cúng bái thành hoàng và các bậc tiền hiền. Hàng năm, vào các dịp trung thu, đầu xuân (còn gọi là cúng thu, cúng xuân), đình làng thường tổ chức cúng bái thành hoàng và các bậc tiền hiền, để tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền đã có công lập làng và cầu chúc cho dân làng có được cuộc sống thanh bình, no đủ. Ngoài việc cúng bái thành hoàng, các vị tiền hiền, còn có tổ chức hát bộ tại sân đình, vì vậy không khí lễ hội bao trùm khắp xóm làng từ người lớn cho đến trẻ con, ai ai cũng háo hức. Người lớn lo sắm lễ để cúng bái cầu mong cho dân làng, gia đình mình được nhiều sức khỏe, có cuộc sống an lành, con cái được học hành đến nơi đến chốn …, trẻ con tíu tít theo chân người lớn để xem cúng bái, hát bộ, hát bài chòi…vào những dịp này tại sân đình dân làng thường tụ tập rất đông để thưởng ngoạn, cho đến khi kết thúc lễ hội.

Ngày nay, đình Làng Nại (đình Dư Khánh) được nhà nước công nhận là công trình di tích kiến trúc lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, theo quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT, ngày 01 tháng 04 năm 1999 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Hình ảnh cây đa – đình Làng Nại đã trở thành biểu tượng, hình ảnh không thể thiếu trong ký ức của mọi người dân làng Nại và của những người con làng Nại đang sống xa quê hương.

                           

                                                                                          Đình làng Dư Khánh – ảnh Hà Tiên

 5. Núi Cà Đú

Nay là một địa danh có tiếng trên ngã ba quốc lộ 1A Bắc – Nam đi Ninh Chử, nằm bên núi Cà Đú có độ cao 318m. Cà Đú là gọi trại tiếng Chăm: Chơk Du’, nghĩa là núi có hình giống con vích; quả thật nếu đứng từ thôn Gò Đền nhìn núi, ta thấy như con vích, con rùa đang bò ra phía biển.

Đứng trên đỉnh núi Cà Đú có thể nhìn bao quát khu du lịch biển Ninh Chử, cánh đồng muối Phương Cựu, đầm Vua, đồng lúa vàng của huyện Ninh Hải và xa xa là hòn núi Đá Chồng. Với những tảng đá chồng chất lên nhau và nhiều hang động, ngõ ngách nên núi Cà Đú khá hiểm trở. Chính nhờ địa thế này, từ những ngày đầu của phong trào Cần Vương, nghĩa quân đã chọn núi Cà Đú làm căn cứ chống Pháp. Cũng từ đây, các đội trinh sát, các đơn vị vũ trang và cán bộ cách mạng suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đã bám trụ gầy dựng cơ sở, tổ chức trừ gian, diệt ác. Chính nơi đây đã tạo nên những trận đánh huyền thoại xuất quỷ nhập thần của lực lượng kháng chiến. Chứng tích ấy, sau hơn một phần tư thế kỷ vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhân dân Ninh Thuận. Chính ý nghĩa lịch sử cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến giành độc lập và giải phóng dân tộc, ngày 16/04/1999 là ngày kỷ niệm giải phóng Ninh Thuận, UBND tỉnh có quyết định công nhận núi Cà Đú là di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Hóa ra ở mảnh này bên cạnh những vườn nho trĩu quả căng mọng, đong đưa dưới những giàn lá xanh tràn trề sức sống, bất chấp cái khắc nghiệt, cằn khô của đất đai, vùng đất này còn mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử với di tích đền đài ... mà Núi Cà Đú là một trong số những địa danh ghi dấu nhiều chiến tích lịch sử của cha ông ngày xưa.

    

                                                                                          Núi Cà Đú – ảnh Trúc Phương 

6. Đầm Nại Ninh Hải

Ít ai ngờ rằng vùng đất thiếu mưa, thừa nắng tỉnh Ninh Thuận đã từng có một vùng rừng ngập mặn rộng hàng trăm hecta phủ xanh sóng nước Đầm Nại. Đó là một tặng phẩm của thiên nhiên đã công bằng ban cho vùng đất khô hạn Ninh Thuận. Ngoài tác dụng cân bằng môi trường sinh thái, Đầm Nại một thời là nguồn sống căn bản của hàng ngàn cư dân quanh vùng.

Diện tích:

Với diện tích tự nhiên 1.200 ha, chứa khoảng 24 triệu mét khối nước, Đầm Nại có 320 loài thủy sản sinh sống, là 1 trong 12 đầm phá quan trọng của Việt Nam. Đầm Nại mang tính điển hình của đầm phá nhiệt đới khô hạn ven biển giữ vai trò điều hòa ngập lụt, cân bằng nguồn nước ngầm và “lá phổi” làm sạch môi trường sinh thái. Nguồn lợi kinh tế của Đầm Nại nuôi sống trên 4.000 nông hộ với khoảng 30 ngàn dân thuộc thị trấn Khánh Hải, xã Tri Hải, xã Phương Hải, xã Hộ Hải và Tân Hải thuộc huyện Ninh Hải. Nông dân đầu tư nuôi theo hướng “thâm canh” với các loài thủy sản tôm, ốc hương, ghẹ, hàu, rong sụn ven đầm với diện tích khoảng 800 ha. Đầm Nại mang tính điển hình của đầm phá nhiệt đới khô hạn ven biển, giữ vai trò điều chỉnh ngập lụt cho toàn khu vực bờ cát và cân bằng nguồn nước ngầm khan hiếm của năm xã ven đầm, thuộc huyện Ninh Hải. Đầm Nại còn từng là “lá phổi” làm sạch môi trường sinh sống của dân cư quanh đầm và Khu du lịch Ninh Chử.

Điểm nổi bật:

Đặc biệt với nghề khai thác hải sản tự nhiên tự lòng đầm đem lại thu nhập bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho hàng ngàn gia đình. Chỉ với chiếc xoỏng nhẹ nhàng lướt trên mặt đầm hành nghề câu, thả lưới bén, đặt lờ mỗi đêm người lao động có thu nhập vài ba trăm ngàn đồng. Phụ nữ bắt ốc cung cấp thức ăn cho tôm thẻ chân trắng mỗi ngày có thu nhập 100- 200 ngàn đồng.

Giây phút yên bình bên Đầm Nại:

Về Đầm Nại du khách được hòa mình trong cuộc sống dân dã thanh bình của thôn xóm ven đầm. Tính cách con người vùng sóng nước hào sảng, mến khách, thân tình. Du khách được thưởng thức các loài hải sản được đánh bắt từ Đầm Nại do cư dân bản địa chế biến có hương vị thơm ngon làm quyến rũ lòng người. Được thưởng ngoạn phong cảnh ngôi chùa cổ Kim Sơn nằm lưng sườn núi in bóng xuống mặt đầm lung linh sóng nước. Hoặc xuôi về Phương Cựu “tận mục sở thị” vườn cò tung cánh trắng xóa giữa vùng rừng ngập mặn nguyên sinh. Và đi thuyền ngược lên Hòn Thiên, Hòn Tịnh thả hồn vui thú sóng nước mênh mang. Đặc biệt Hòn Tịnh thuộc khu vực thị trấn Khánh Hải có hình thù “lạ lẫm” được dân gian thêu dệt nên những truyền thuyết mang đậm tính nhân văn về tình yêu lứa đôi, lòng thủy chung trong đời sống vợ chồng.

Một buổi chiều thanh vắng khi mặt trời đã khuất sau núi, những con thuyền nhỏ cũng đang cố gắng đẩy thân mình vào bờ, không gian nơi đây lại càng trở nên tĩnh lẵng và đẹp, những ánh nắng hắt hiu qua từng con thuyền nhỏ. Và rồi làm toả thêm sức sống tiềm tàn nơi đây.

Đến với nơi đây, du khách sẽ được tận hưởng những phút giây yên bình, thanh thản và có thể xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng. Đầm Nại là một điểm đến hấp dẫn tại Ninh Thuận. Và bây giờ còn chờ gì nữa mà không bắt đầu cuộc hành trình đến nơi đây!

 

                                                                             Chiều trên Đầm Nại – ảnh Hà Tiên

II. Xã Tri Hải

1. Đình Tri Thủy

Du khách thưởng ngoạn phong cảnh ngôi chùa cổ Kim Sơn nằm lưng sườn núi in bóng xuống mặt Đầm Nại lung linh sóng nước, không thể ghé thăm Đình Tri Thủy được nhà nước công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nguồn gốc hình thành: Đình Tri Thủy thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, được xây trên khu đất nằm ngay đầu làng Tri Thủy có diện tích 3231,82m2 (trong đó các nơi thờ tự chiếm 762,59m2, sân Đình và và đất trống chiếm 2469,23m2). Mặt trước của Đình hướng ra Đầm Nại, bên phải là chùa Kim Sơn, bên trái là trục đường chính liên xã, phía sau Đình là Núi Đình và khu dân cư. Có thể thấy rằng vị trí của Đình nằm trong cảnh quan tổng thể sơn thủy; theo quan niệm xưa đây là thế đất tụ thủy, tụ linh, tụ phúc và tụ dân. 

Tên Đình Tri Thủy lấy theo tên làng Tri Thủy (trước đây có tên làng Bến Đò, thuộc tổng Mỹ Tường, đạo Ninh Thuận nay thuộc thôn Tri Thủy, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), được hình thành cách đây 200 năm do những người cánh họ Dương (Bình Định) theo chân Chúa Nguyễn di cư vào Ninh Thuận. Đình được xây dựng để thờ thần Thành Hoàng, theo tín ngưỡng dân gian thì đây là vị Thần bảo trợ cho dân làng, vì không có thần phả để lại nên ngày nay rất khó xác định được lai lịch của Thần. Ngoài Thành Hoàng là đối tượng thờ chính, ở Đình còn còn thờ thêm các vị tiền bối có công khai khẩn, lập làng, dựng Đình và Bà Thủy Long. Tại Đình còn lưu giữ những sắc phong của các vua Nguyễn ban cho Thành Hoàng như:

 - Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (năm 1852), vua Tự Đức ban cho Thần mỹ tự “Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng”. Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (năm 1880), Vua gia ân cho Thần thêm một trật.

- Ngày mồng 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (năm 1886), Vua tăng thêm cho Thần tước “Dực Bảo Trung Hưng”. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (năm 1910) được Vua gia ân tăng thêm một trật. 

- Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924) Vua Khải Định tặng thêm tước: Tĩnh Hậu Trung Đẳng Thần”. 

Đặc điểm di tích: Đình Tri Thủy là một tổng thể kiến trúc công trình xây dựng bao gồm từ ngoài vào là cổng Tam Quan, bức Bình phong, sân Đình, tòa Chánh Điện. Hai bên là tòa Chánh điện là nhà Đông, nhà Tây. Phía sau Chánh điện là 01 khoảng sân nhỏ nối Chánh điện với nhà Tiền Hiền; phía Đông nhà Tiền Hiền là nhà Trù (nhà bếp), phía Tây nhà Tiền Hiền là nhà để xe đầu rồng (phục vụ cho người chết trong thôn). Kết cấu kiến trúc và nghệ thuật của một số bộ phận chính:

- Cổng Tam Quan: kiến trúc theo phong cách cổ, dáng tứ trụ; trên các cột đắp nổi câu đối có nội dung ca ngợi vùng đất hiển linh, phù hộ cho dân làng sống giàu sang, hạnh phúc. Đỉnh của bốn cột đỡ hai tầng mái lợp ngói Tây, bốn góc mái hơi cong lên, đỉnh mái gắn biểu tượng “Lưỡng long chầu nhật”.

 - Bình phong: được xây dựng trước sân Đình đối diện với tòa chánh điện. Theo quan niệm của dân gian, bình phong có tác dụng ngăn ngừa luồng khí độc thổi vào thôn. Bình phong được làm theo dạng tứ trụ, trên đỉnh hai cột hai bên gắn hai búp sen nhỏ; hai cột chính giữa gắn hai búp sen lớn; chính giữa bình phong đắp theo dạng cuốn thư trên gắn một quả bầu; mặt trước bình phong đắp nổi hình con nghê; mặt sau bình phong đắp nổi hình rồng đang bay lượn từ trên xuống dưới rất sinh động. 

- Chánh điện: là công trình kiến trúc chính nên có quy mô và uy nghi hơn so với các kiến trúc còn lại được chia làm hai phần: Tiền đàng và Hậu tẩm. Tiền đàng là ngôi nhà dành cho việc hành lễ nên còn gọi là nhà Tiền bái. Tiền đàng là một ngôi nhà tứ trụ, tường xây bằng đá, chất kết dính vữa vôi, mái lợp ngói Tây. Toàn bộ nhà có bốn hàng cột, chu vi cột cái là 1,1m; kết cấu vì kèo xuyên trính. Phía nóc nhà Tiền đàng gắn các dải hoa dây, chia làm hai phần: ở hai đầu là dạng hoa dây hình học có điểm dải vân mây, chính giữa là hai con rồng cách điệu dạng dây lá cuộn đang chầu mặt trời lửa. Tiền đàng nối với Hậu tẩm bởi nhà ghè và 01 lớp cửa bức bàn. Hậu tẩm là ngôi nhà dạng tứ trụ dùng để thờ thần; toàn bộ ngôi nhà có 04 cột cái, chu vi mỗi cột là 1,05m; các mái tỏa đều ra xung quanh tạo thành ngôi nhà gần vuông; tường nhà xây bằng đá với chất kết dính là vửa vôi, mái nhà lớp ngói Tây, kết cấu vì kèo xuyên trính. Nóc nhà Hậu tẩm được trang trí “Lưỡng long tranh châu”; rồng có dáng vẻ mạnh mẻ, thân rồng uốn ba khúc, vẩy rồng là các mảnh sứ màu xanh, sống lưng dựng thẳng, miệng há rộng; trên mình rồng được điểm các vân mây, tạo cảm giác rồng ở thế động đang bay lượng. Các bộ vì kèo của nhà Tiền đàng, Hậu tẩm được tạo dáng, chạm khắc rất tỉ mỉ. Các cặp kèo đâm chạy chỉ nổi chính giữa và tạo dáng hình cánh dơi; đầu kèo khuyết chạm nổi hình rồng, cây trính uống vồng lên hình vỏ đậu, cây trỏng hình bắp chuối. Cách tạo dáng mang ý nghĩa âm dương hòa hợp. 

Tòa Chánh điện là nơi thờ Thành Hoàng nên nội thất được treo các câu đối và nhiều đồ thờ tự khác. Chính giữa là án thờ thần, trên án và xung quành án thờ được bài trí các đồ tự khí và các vật trang trí rất tinh xảo nhưng không kém phần uy nghiêm; các hiện vật được lưu giữ tại Đình. Trong năm tại Đình Tri Thủy tổ chức một số lễ nghi thức long trọng như Tết Nguyên đán, Tiết Thanh Minh, Rằm tháng 7 âm lịch.... 

Đình Tri Thủy là một công trình kiến trúc gỗ truyền thống, những gì còn lại ở đình là những di sản văn hóa có giá trị góp phần làm phong phú thêm nền kiến trúc Việt Nam. Kiểu kiến trúc nhà tứ trụ, vì kéo xuyên trính là đặc trưng tiêu biêu kiến trúc khu vực Nam Trung bộ. Từ đó cho thấy rằng kiến trúc truyền thống Việt Nam không bị gói gọn trong khuôn khổ nhất định, đã có sự chuyển biến, có tính sáng tạo. Bên cạnh đó trong đình còn có những đề tài trang trí khá phong phú, hầu hết các mô-típ cổ điển đều được sử dụng như “Cá vượt vũ môn”, tứ linh...là cầu mong sự thành đạt. Kỹ thuật chạm khắc được sử dụng trong các đề tài trang trí thể hiện sự tài hoa, khéo léo của cha ông. Vì thế Đình Tri Thủy là công trình kiến trúc nghệ thuật sinh động, tồn tại mãi với thời gian, với dân Tri Thủy nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung; vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa thể hiện sắc thái văn hóa đặc sắc của dân tộc.

                      

                                                                                                   Đình Tri Thủy - ảnh: Hà Tiên

2. Đình Khánh Hội

-         Tên tự: Khánh Hội đình

-         Tên thường gọi: Đình Khánh Hội

Địa điểm và đường đi đến di tích:

Đình Khánh Hội thuộc thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Từ Trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm dọc theo đường 16/4 về hướng Đông, khi đến cuối con đường này quẹo trái rồi dọc theo đường Yên Ninh (con đường dọc theo bờ biển) khoảng 6km, qua cầu Khánh Hội (cầu mới) quẹo phải là đến thôn Khánh Hội, từ cổng thôn đi rẽ phải khoảng 0,5km là đến di tích.

Đình Khánh Hội được xây dựng ở vị trí giữa thôn đường nhỏ hẹp, nên rất khó khăn đối với các phương tiện là ôtô đi đến di tích.

Theo lời kể của các bô lão trong thôn cho biết: ngôi làng đầu tiên được tạo lập trên vùng đất hoang sơn, nằm dưới chân núi Bà Mụ. Mãi đến thế kỷ XVIII –XIX cùng với quá trình “Nam tiến” của người Việt từ vùng ngoài vào thì vùng đất này mới được phát hiện và khai khẩn lập làng. Họ là những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới này bằng đường biển. Lúc ban đầu chỉ có một vài người, chủ yếu là từ Bình Định, Phú Yên nên họ đặt tên cho làng là “Khóm núi Bà Mụ”. Sau đó, khoảng trước năm 1760 họ chuyển đổi tên làng là “Dăn Me” vì ở đây có cây me mọc thành hàng. Cũng qua lời kể của các cụ: sau năm 1760 một người tên là Lương Văn Hội cùng một số người khác cùng làng đi tìm vùng đất ven biển để tiếp tục khai khẩn lập làng. Khi đã tìm được “đất lành”, những cư dân đầu tiên này tiếp tục công cuộc qui dân, lập ấp chỉ vài nóc nhà được dựng lên trên khu đất bồi ven biển ấy với tên gọi là Khánh Hội là để tưởng nhớ đến công ơn của ông Lương Văn Hội.

Cũng như nhiều làng khác của người Việt trong khu vực, đời sống tín ngưỡng, tâm linh luôn được người dân ở Khánh Hội coi trọng, vì vậy sau khi công việc khai khẩn, lập ấp được hoàn thành, các vị tiền bối nhất là ông Lương Văn Hội đã chủ trương xây dựng ngôi đình - đình Khánh Hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng của cư dân địa phương. Đến năm 1762 (mùa thu năm Nhâm Ngọ), ngôi đình đầu tiên được xây dựng khang trang (gồm: tòa Chánh điện, nhà Đông, nhà Tây, nhà Tiền hiền, cổng Tam quan, vòng thành, giếng nước…) với nguyên vật liệu chủ yếu bằng đá vôi, vữa mật mía, ngói âm dương, và nằm vị trí giữa thôn Khánh Hội hiện nay.

Đình thờ thần Thành Hoàng Bổn xứ – vị Thần bảo hộ của cộng đồng cư dân ở làng. Tuy nhiên, do không có Thần phả để lại, nên việc xác định lai lịch của Thần chưa cụ thể. Thực ra, thần Thành Hoàng Bổn xứ ở đây chỉ là một khái niệm mơ hồ, mang tính chất ‘hữu danh vô thực” không chỉ rõ được lai lịch vị Thần nào cả, mà là người đại diện cho Thiên tử để bảo hộ cho dân làng. Trong tâm thức của người dân, thần Thành Hoàng là vị Thần bảo hộ của cộng đồng cư dân ở làng mình. Ngài ngự trị tại Đình làng, chứng kiến đời sống, sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho dân làng được an khang thịnh vượng

Dưới triều vua nhà Nguyễn, đình Khánh Hội được phong sắc năm lần, đó là: hai sắc phong của vua Tự Đức (1848, 1878), vua Đồng Khánh (1883), vua Duy Tân (1895) và vua Khải Định (1920).

Hằng năm, tại đình Khánh Hội thường diễn ra các lễ hội sau đây:

Lễ cúng Thu: diễn ra vào ngày 17 hoặc 19/8 âm lịch. Lễ vật gồm có đèn nhang, hoa quả, trầu rượu, 01 con heo tế sống, 80 dĩa lòng, 80 dĩa sôi và 01 chiếc bè… Với ý nghĩa: cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dân làng sum họp, chiến sỹ được siêu sanh lạc độ, cầu tránh thiên tai địch họa. Ngoài ra, ở Đình còn tổ chức cúng đầu năm, diễn ra vào ngày 1/1 âm lịch.

Đình Khánh Hội hiện nay tọa lạc ngay vị trí giữa thôn, nằm trong khuôn viên đất bằng phẳng; trong đó tổng diện tích đất của ngôi đình là 1156m2. Ngôi đình có cửa chính quay về hướng Nam với các mặt tiếp giáp như sau: Mặt phía trước (hướng Nam) tiếp giáp với trường Tiểu học Khánh Hội và đường đi; mặt phía Tây giáp với đường đi và khu dân cư; phía Đông tiếp giáp với Hội trường Ban quản lý thôn Khánh Hội và phía Bắc tiếp giáp với nhà dân.

Tuy không phải là một trong những ngôi đình cổ, lớn và tiêu biểu trong khu vực, nhưng Đình Khánh Hội trước đây vẫn có đầy đủ các kiến trúc cơ bản, như: Cổng, bức bình phong, toà Chánh điện, nhà Tiền hiền, nhà Đông, nhà Tây, nhà Trù (nhà bếp)… nhưng thời gian về sau, do sự khắc nghiệt về khí hậu, sự tác động trực tiếp của con người… một số kiến trúc bị hư hại, sụp đổ hoặc bị thay đổi xây mới, cụ thể: nhà Tây đã bị đổ mất hoàn toàn và nhà Trù, Nhà Đông, nhà Tiền Hiền đã được xây dựng mới…

Kiến trúc xây dựng theo kiểu chữ nhị (二). Tổng thể kiến trúc xây dựng Đình Khánh Hội hiện nay từ ngoài vào, gồm: Cổng chính, cổng phụ, cột cờ, án phong, sân đình, tòa Chánh điện, nhà Tiền hiền, nhà Đông, nhà Trù, giếng nước, sân sát sinh vật tế.

Từ kiến trúc ở Đình, chúng ta thấy rằng Đình Khánh Hội là sự kết hợp hài hòa giữa hai dạng nhà chính (nhà tứ trụ và nhà ba gian). Với kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống, các bộ phận kiến trúc được liên kết với nhau tạo thành một thể thống nhất rất vững chắc. Tuy nghệ thuật trang trí ở đình Khánh Hội không thể sánh ngang với một số ngôi đình lớn trong khu vực, nhưng với những gì hiện được bảo lưu tại kiến trúc đình Khánh Hội đã minh chứng về sự quan tâm, đầu tư công sức cùng với sự khéo léo từ bàn tay của các bậc tiền nhân trong việc thể hiện các mảng trang trí tại ngôi đình này, đặc biệt là những đề tài trang trí trên bộ vì kèo ở tòa Chánh điện (gian Ngoại tẩm và gian Nội tẩm) và các mảng chạm khắc trên các liễn câu đối, khám thờ thần, bức bình phong… Vẫn là những đề tài quen thuộc: Các đường gờ chạy nổi, đầu rồng, Lưỡng Long tranh châu, hoa dây hóa rồng, đề tài về con dơi, hoa dây cách điệu… đã được các nghệ nhân xưa đưa vào trang trí một cách công phu, tinh tế, làm cho các mảng chạm khắc trở nên sinh động, có hồn trong sự linh thiêng vốn có của ngôi đình. Cũng như các ngôi đình khác trong khu vực, bên cạnh những giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, đình Khánh Hội còn gắn liền với đời sống tâm linh và là nơi diễn ra các hình thức hoạt động văn hóa của nhân dân địa phương từ bao đời nay, đặc biệt là các lễ cúng tế hàng năm tại ngôi đình vẫn được duy trì. Ngoài ra, ở đình Khánh Hội vẫn còn lưu giữ 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng.

       

                                                 Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích văn hóa- Đình Khánh Hội - Ảnh: Hà Tiên

 3. Đầm Vua

Vì sao có tên Đầm Vua?

Người Chăm Ninh Thuận và người Chăm Bình Thuận (ngày xưa là xứ Panduranga) có khoảng 100.000 người, có sinh hoạt văn hóa giống nhau. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập về người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận vì họ còn bảo lưu nét đặc thù văn hóa riêng của dân tộc được phản ánh qua câu: Akaok Panrang, talang Parik, kalik Pajai, takai Pacam, nghĩa là đầu Phan Rang, xương Phan Rí, da Malâm, chân Pacam.

Ninh Thuận là một tỉnh có người Chăm sinh sống đông nhất ở Việt Nam nước ta, 63.359 người. Họ cư trú ở 29 làng thuộc các huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn và Ninh Hải. Đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp lúa nước, nương rẩy, chăn nuôi gia súc gia cầm.

Về đời sống tinh thần, họ theo một trong hai tôn giáo: Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bàni; một số ít theo Hồi giáo Islam.

Cộng đồng người Chăm theo Balamôn giáo được gọi là người Chăm Ahiêr. Đàn bà mặc áo dài truyền thống chui đầu (ao luak), cổ trái tim, màu do sở thích, đầu quấn khăn (ikak akhan haluh). Đàn ông mặc áo bà ba, mặc chăn (mbaik akhan), đầu quấn khăn (ikak tanyiak). Nam nữ đều ăn trầu; nam còn hút thuốc lá nữa. Trong lễ tang họ mặc trang phục trắng.

Bia Võ Cạnh (Phú  Vinh), Vĩnh Xương, Khánh Hòa vào thế kỷ thứ II sau Công Nguyên ghi bằng Phạn ngữ và thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Điều này cho thấy đạo Phật đã được truyền bá vào Champa từ rất sớm và người Chăm đã tiếp thu văn hóa Ấn Độ từ lâu đời. Đồng thời Bàlamôn giáo cũng đã đồng hành cùng với văn minh Ấn Độ thâm nhập Champa, nhưng tôn giáo này theo thời gian đã được bản địa hóa, và từ đó đến nay nó đã trở thành một tôn giáo mang màu sắc tín ngưỡng dân gian của một đại bộ phận người Chăm gọi là người Chăm Ahiêr.

Hệ thống thần linh Brahma, Vishnu, Siva, được người Chăm tiếp thu từ Ấn Độ, đã mang tên thần bản địa: Po Sapajieng (Brahma), Po Inư Nagar (Vishnu), Po Sapalai (Siva). Theo quan niệm của người Chăm thì Po Sapalai (Siva) có quyền năng hơn cả: Po Sapalai sa-ai Po Sapajieng có nghĩa là thần Hủy Diệt anh thần Sáng tạo. Và các thần này được biểu hiện bằng nhiều hình thái khác nhau qua biểu tượng Linga Yoni (dương, âm vật). Về sau cách thờ thần ở các tháp cũng đã biến đổi, đặc biệt là ở các tháp Chăm Ninh Thuận. Các thần Ấn Độ giáo đã được người Chăm đồng hóa với các thần vua của dân tộc. Họ thường thờ các vị thần gắn liền với Linga Yoni, biểu hiện rõ nét nhất là ở Mukha Linga Po Klaong Girai, Po RamêPo Inư Nagar.

Đội ngũ chức sắc Chăm Ahiêr (Bàlamôn), gọi là Ra Kakuek Mah có nghĩa người điện vàng, dân gian thường gọi là Baséh. Từ gọi này đã nói lên vị trí của họ rất quan trọng trong xã hội Chăm. Họ là chỗ dựa vững chắc cho mọi tầng lớp xã hội Chăm (halau dang). Đặc biệt, chức sắc Baséh được cha truyền con nối nhưng phải hội đủ các điều kiện sau đây:

Phải là người trong sạch cả thể xác lẫn tâm hồn.

Không tật nguyền, ăn nói lưu loát.

Có bản chất thông minh, thể hiện bằng tai to mặt lớn, mắt đen láy.

Chức sắc Baséh có 3 đẳng cấp được gọi bằng những tên khác nhau theo từng thời kỳ như sau:

Baséh Ndung Akaok còn gọi Pahuer pabah padueh akhar có nghĩa là xông miệng học chữ (trong thời kỳ mới làm lễ bới tóc nhập môn), Baséh Liah (trong thời kỳ học kinh kệ, bùa chú), và Baséh Puah (khi đã thành chính thức).

Tapah hay còn gọi Bac là đẳng cấp cao trợ lý và kế thừa khi Po Adhia qua đời. Mỗi đẳng cấp có lễ tôn chức khác nhau.

Po Adhia (cả sư), do hội đồng chức sắc bầu ra và chỉ làm lễ thánh tẩy (panoja) để nhận chức. Po Adhia có nghĩa là thiền sư, là người lãnh đạo tinh thần tối cao và có quyền giữ vật tổ, gọi là Ba Ginrac và các tập kinh (katiem) thường gọi là agal praong có nghĩa là kinh lớn để làm lễ theo lễ nghi tôn giáo được truyền từ đời này sang đời khác, và có quyền soạn thảo lịch và thông báo lịch trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Đẳng cấp Baséh được thể hiện ở khăn lễ (akhan Puah). Khăn lễ của Ndung Akaok và Liah có 5 sọc đỏ (đầu 2, đầu 3). Khăn lễ của Baséh Puah có 7 sọc đỏ (đầu 3, đầu 4). Khăn lễ của Tapah và Po Adhia có 9 sọc đỏ (đầu 4, đầu 5).

Chức sắc Baséh bắt buộc phải để tóc bới, thậm chí khi chải đầu tóc rụng phải gói vào bị, nếu nhiều thì làm phép thả xuống sông. Trang phục màu trắng gọi là Ao Kakuek. Hai bên hông có 3 sợi dây may bằng vải để cột thay nút. Họ quan niệm áo là da của Po Dêbita Thuer, nên khi rách không được vứt bỏ, phải gói để làm phép thả xuống sông. Trong sinh họat đời thường chức sắc Baséh có nhiều kiêng kỵ. Kiêng thịt bò, chó, nai, chuột, ếch, lương, cá trê, thịt súc vật chết tự nhiên (matai bhao). Kiêng rau sam, bí đao, rau díp cá, chuối hột. Khi ăn phải ăn bóc. Bữa ăn chiều, phải ăn trước khi mặt trời lặn vì họ quan niệm mặt trời lặn là thế giới của ma quỷ.

Chức sắc Baséh không có thánh đường hay chùa riêng; ông ta ở nhà như mọi người. Đền tháp (như đền Po Inư Nagar, tháp Po Klaong Girai, Po Ramê) là nơi thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng của cộng đồng.

Người Chăm quan niệm chức sắc Baséh là hiện thân của Po Sapalai (thần Hủy Diệt) nên kỵ tham gia lễ dựng nhà mới, đám cưới hay đi thăm người bệnh…và chỉ có nhiệm vụ thực hiện lễ tang ma (đưa linh người quá cố về cõi vĩnh hằng), lễ dựng kut, nhập kut.

Người Chăm theo Hồi giáo ở Ninh Thuận có 2 bộ phận: Hồi giáo Bàni và Hồi giáo Islam.

Người Chăm theo Hồi giáo Bàni gọi là Chăm Awal hay Chăm Bàni. Họ có khoảng 20.000 người, cư trú ở 7 làng, mỗi làng có 1 thánh đường (sang Magik). Sang Magik là nơi sinh hoạt lễ nghi tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng làng. Do vậy người Chăm có câu Tajuh halau klau bimong có nghĩa là Bảy đầu(=thánh đường), ba tháp.

Trang phục của người Chăm Awal khác trang phục của người Chăm Ahiêr ở điểm đàn bà quấn khăn 2 đường biên có 2 sọc đỏ, tiếng Chăm gọi là akhan mbram.

Đội ngũ chức sắc Hồi giáo Bani có tên gọi chung là Acar; gồm có 5 đẳng cấp: Jama-ah (mới nhập đạo), Madin, Katip hay Khotip, ImâmPo Gru. Mỗi đẳng cấp có lễ tôn chức riêng. Po Gru là người lãnh đạo tối cao chủ trì thánh đường. Chức sắc Acar bắt buộc phải cạo đầu và râu, nếu để thì theo luật đạo gọi là haram có nghĩa là ô uế. Trang phục bắt buộc phải màu trắng, áo chui đầu (ao luak), cổ hình lá đa (hala bơt), thường dài tới đầu gối. Kiêng ăn thịt heo, dông, chuột, chó và thịt gia súc chết tự nhiên (matai bhao). Ăn bóc. Bữa cơm chiều phải ăn trước khi mặt trời lặn.

Kinh luật của Acar, gọi là Kura An hay Kura Ưn, viết bằng chữ Arập, chỉ chức sắc mới đọc và học thuộc để làm lễ, được xem như kim chỉ nam trong sinh hoạt lễ nghi tôn giáo. Tập kinh và gậy thần (Agai Bhong) được xem là vật thiêng cho nên được cất giữ trong thánh đường; chỉ được mang ra khi có lễ lớn.

Hồi giáo Islam ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay có khoảng 2.000 người. Bộ phận này tách ra từ Hồi giáo Bàni ở các làng (palei) Văn Lâm (Ram), Nho Lâm (Ram 1), Phước Nhơn (Pamblap Birau) và An Nhơn (Pamblap Klak). Mỗi làng có một thánh đường để sinh hoạt lễ nghi tôn giáo. Người khởi xướng đầu tiên là ông Từ Công Xuân, thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, Ninh Phước, Ninh Thuận.

Cộng đồng người Chăm theo đạo Islam, gọi là Chăm Islam, không giữ tục thờ cúng ông bà tổ tiên (adat muk kei) và những lễ nghi tín ngưỡng bản địa. Họ tôn thờ đấng Allah duy nhất và Nabi Muhamad, cầu nguyện 5 lần kinh (sambayang) mỗi ngày tại thánh đường, thực hiện nghiêm túc bổn phận nhịn ăn trong tháng Ramadan. Phúc lớn trong đời của người Chăm Islam là 1 lần hành hương thánh địa Mecca (Makah). Người đi hành hương về được mang tước hiệu Hadji và được kính trọng. Kinh Quran là kim chỉ nam, chuẩn mực để phân định các vấn đề đạo đức trong sinh hoạt văn hóa tinh thần và được tín đồ xem như bùa hộ mệnh.

Hồi giáo Bàni và Islam tuy cùng tôn thờ Allah và Nabi Muhamad nhưng không cùng sinh hoạt chung kinh luật và lễ nghi tôn giáo.

Hai tôn giáo Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bani được người Chăm tiếp thu từ rất sớm nhưng chỉ dừng lại ở lễ nghi tôn giáo, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, cho nên người Chăm còn tin vào các thế lực siêu nhiên thần bí khác. Do vậy, ngoài chức sắc tôn giáo (halau danang agama) còn có chức sắc tín ngưỡng (halau danang ngak yang parang bingu) như: Kadhar, Pajau, Maduen, Ka-in, Muk Rija và Gru Kaleng. Và họ đã dung hòa hai chức sắc Baseh, Acartheo quan niệm âm dương. Baseh là dương (đàn ông), Acar là âm (đàn bà). Các chức sắc tín ngưỡng đã làm các lễ nghi tín ngưỡng cho cả cộng đồng người Chăm Ahiêr và người Chăm Awal. Chính bộ phận này đã tạo cho nền văn hóa Chăm phong phú, đa dạng, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Ninh Thuận, nhìn dưới góc độ địa văn hóa theo người Chăm, là vùng đất hội đủ ba yếu tố thiêng: Núi, Sông (đồng bằng) và Biển. Đó là vùng đất sản sinh lễ hội Chăm.

Núi, phía tây là dãy Trường Sơn tiếng Chăm gọi Cek Muk Juk có nghĩa là núi Bà Đentên tục của Bà Tổ được người Chăm gọi với vương hiệu là Po Inư Nagar (bà Chúa Xứ), không những là nơi thiêng liêng mà còn là kho lương thực, thực phẩm của họ (hái lượm, săn bắt thú rừng) và họ đã coi đó là chỗ dựa cả tinh thần lẫn vật chất (cek danang suan thap).

Sông, có 2 sông lớn: Sông Cái và Sông Lũy. Hai con sông này được người Chăm xem là Kraong Caik Rai có nghĩa  là Dòng Sông Lịch Sử của họ.

Sông Cái (Kraong Binai), còn gọi là Kraong Kadeng có nghĩa là sông lớn, bắt nguồn từ núi Đa Nhim (cek Ba Nyim) thuộc địa phận Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dòng sông dẫn nước tưới cho vùng đất canh tác phía bắc của tỉnh bằng  công trình thủy lợi của Po Klaong Girai (1105-1205) qua hệ thống đập Lâm Cấm (banek Tabeng) và đập Nha Trinh. Đập Nha Trinh dịch trại từ tiếng Chăm gọi Banek Pasa bira Caklin có nghĩa là đập Pasa vai Caklin tên ông bà nuôi Ngài lúc còn nhỏ.

Theo truyền thuyết, trước khi xây dựng đập Nha Trinh, Ngài làm lễ kết bè chuối thắp nến sáp và khấn thần linh cho biết nơi nào thuận lợi làm đập vững chắc thì cho bè chuối chìm tại đó, khấn xong Ngài thả bè chuối trên mặt đập Lâm Cấm (tada banơk binơk Tabeng), bè trôi ngược dòng và chìm tại nơi xây dựng đập hiện nay, cách Tháp Chàm khoảng 5km đường chim bay về phía tây nam.

Theo tư liệu cổ Chăm, Po Kalong Kasait là người đốc thúc thi công xây dựng đập. Một hôm Po Klaong Girai đi giám sát thấy Po Klaong Kasait đánh lưới bén trên mặt đập đang gở cá rô dính lưới nhưng không có bị đựng nên Po Klaong Kasait cắn cá bằng miệng, thấy vậy Ngài cười rộ lên và Po Klaong Kasait cũng cười theo làm cá rô tuột vào mắc kẹt trong cổ hộng không lấy ra được. Ngài phải dùng phép thuật mới lấy ra được. Trong cơn tức giận Po Klaong Kasait đã nguyền rủa rổ cá rô không được sinh sản từ mặt đập Nha Trinh trở lên nguồn. Do lời rủa hay do môi trường tự nhiên, tuyệt nhiên ngày nay không có con cá rô nào sinh sản từ đập Nha Trinh trở lên.

Khi xây dựng đập, Ngài cho đào 2 con mương gọi là kinh Bắckinh Nam, cho triệu tập 2 phái nam nữ cùng thi công và ra hạn thời gian hoàn thành.

Kinh Bắc (phía bắc đập) do phái nữ thi công nên gọi là mương Cái (libaong kamei) và kinh nam (phía nam đập) do phái nam thi công nên gọi là mương Đực (libaong likei). Trong thời gian thi công, phái nữ biết mình sức yếu nên phân công nhau làm việc ngày đêm, ban đêm vừa làm vừa hát véo von, tiếng hát đã thu hút các chàng trai bên kinh nam đến cùng hát và cùng đào thâu đêm, sáng hôm sau quá mệt nên chểnh mảng việc đào mương; cuối cùng phái nữ hoàn thành đúng thời hạn còn phái nam bị dở dang, sợ nhà vua phạt tội họ bỏ trốn vào rừng nhưng đã được nhà vua tha tội chiêu an cho trở về.

Hệ thống đập trên đã mở mang diện tích canh tác lúa nước giải quyết nạn đói. Để nhớ công ơn Ngài và ông bà nuôi Ngài cộng đồng người Chăm vùng sông Cái tổ chức lễ tế trâu theo định kỳ 7 năm một lần; kinh phí trích từ quỷ hoa lợi ruộng hương hỏa của các làng Chăm.

Đến năm 1965 tại đầu nguồn núi Đa Nhim người Nhật đã xây dựng một đập nước gọi là đập Đa Nhim, dùng thác nước tạo thành hệ thống điện gọi là Điện Đa Nhim cung cấp điện cho cả nước để bồi thường thiệt hại chiến tranh tại Việt Nam. Và từ đó kinh Nam tức mương Đực được thi công để dẫn nước tưới cho các vùng đất canh tác phía nam gồm các xã Phước Sơn, Phước Thái, Phước Hữu, Phước Dân và An Hải thuộc huyện Ninh Phước. Con mương này gọi là kinh nam, dân gian còn gọi là mương Nhật.

Sông Lũy tiếng Chăm gọi là kraong Biuh, dân gian gọi là sông Diễu, bắt nguồn từ núi Kei Kamao, do suối Là-A (craoh La-A) và suối Giá (craoh Njak)  hiệp lại tạo thành một vịnh sâu, tiếng Chăm gọi là ateng. Theo truyền thuyết (dam nưi) sau khi xây dựng hoàn thành các ngôi tháp vùng Phan Rang (Pandarang) thì các thợ (ragei) mang lễ vật đến vịnh này làm lễ tạ thần linh nên về sau gọi là Ateng yang có nghĩa là Vịnh thần. Dòng sông này mang nước tưới cho các vùng đất canh tác phía nam của tỉnh do công trình thủy lợi dưới triều đại vua Po Ramê (1627 – 1651) bởi hệ thống đập Cà Tiêu (Katêw), Chà Vin (Caping), Ma Rên (Marên), Kiá (Kraik), Đá (Patau), Ma Giăng (Cadan) và Tà Nông (Kanong).

Trong hệ thống đập nói trên quan trọng nhất là đập Kraik tiếng Chăm gọi là banek Riya bira Kraik có nghĩa là đập lớn vai cây lim xanh. Theo truyền thuyết, lúc còn nhỏ Ja Kathaot ở đợ với vua Po Klaong Halau có vương hiệu là Po Mah Taha. Một hôm đi chăn trâu nhân buổi trưa ngủ dưới gốc cây lim xanh ông được con rồng xuất hiện liếm rồi ẩn vào cây lim xanh, từ đó Ja Kathaot trở nên khôi ngô tuấn tú và thông minh hơn người về sau được Po Mah Taha gã công chúa là Bia Su Cih, sau vua cha băng hà Ja Kathaot được tôn lên ngôi vua trị vì vương quốc Chăm 25 năm (1727-1751) lấy vương hiệu là Po Ramê. Do vậy, các làng vùng sông Lũy làm lễ tế trâu theo định kỳ 7 năm 1 lần để nhớ ơn Ngài và thần cây Lim Xanh đã sản sinh người tài trị cho vương quốc; kinh phí trích từ quỷ hoa lợi ruộng đất của làng. Hồ Ateng Yang, ngày nay được Nhà Nước đầu tư xây dựng thành hồ chứa để ngăn lũ và điều tiết nước tưới cho các đập nói trên; hồ có tên tiếng Việt là Hồ Tăng Giang nay gọi là Hồ Tân Giang.

Hai dòng sông nói trên được người Chăm xem  như hai dòng sữa mẹ nuôi sống họ đã được lưu lại cho hậu thế sử dụng đến ngày nay. Và hai dòng sông này đã chia người Chăm tỉnh Ninh Thuận thành hai vùng gọi là: Papraong Pa Biuh.

Papraong có nghĩa là lớn, được hiểu là giàu có. Hệ thống nước sông Cái, chủ động tưới cho đồng hai vụ của các làng (palei): Hoài Trung (Baoh Bani), Ma Hê(Pan Nja), Chất Thường (Baoh Gana), Qua Quá (Cuah), Hiếu Lễ (Caok), Cát Bồi (Caoh Glaong), Phước Đồng (Mblang Kacak), Phú Nhuận (Baoh Hadeng), Lương Tri (Cang), Thành Ý (Tabeng), An Nhơn (Pamblap Klak), Phước Nhơn (Pamblap Birau) và Bĩnh Nghĩa (Bal Riya). Do thời cuộc chiến tranh có một số làng bị điêu, còn lại một ít sáp nhập vào các làng phụ cận: Ma Hê (Pan Nja), Qua Quá (Cuah), Cát Bồi (Caoh Glaong).

Trong các làng kể trên quan trọng nhất là làng Bĩnh Nghĩa (palei Bal Riya). Bal Riya có nghĩa là kinh đô lớn. Hiện nay trong làng có đền thờ Po Bin Nâthuer (mà người ta cho là Chế Bồng Nga) và có một bia kí dân gian gọi là Bia Chế Bồng Nga (các nhà bia kí của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp không hề biết bia này). Các lễ tế thần trong năm của làng gồm có: Po Bin Nâthuer, Po Bia Chuai, Palao Rija Sah, Po Nâgar, Po Riyak lễ Ikak ghak ikak lamah (lễ tế thần cai quản đường sá). Gần làng có thao trường (mblang padhik) rộng khoảng 100ha để luyện binh của Po Bin Nâthuer, dân gian gọi là Đầm Vua, ngày nay đã trở thành ruộng muối. Gần khu vực này có Núi Cà Đú (Cek Kanduk), dưới chân núi Cà Đú về hướng nam có một bia kí chữ Chăm cổ gọi là Bia Cà Đú (ký hiệu C123), còn gọi là Bia Đá Nẻ II (Patau Tablah dua).

Trong các làng nói trên quan trọng nhất là Palei Bal Caong, có nghĩa là làng kinh đô. Palei Bal Caong, tọa lạc trên một gò đất có tên Mbuen Jamrak, Đồi Jamrak, rộng khoảng 100 ha. Hiện nay có nhiều phế tích đổ nát, những đống gạch đã biến mất do bàn tay con người hay bị lẫn vào lòng đất nhưng hồn thiêng của di tích vẫn còn trong địa danh lịch sử, có lẽ đây là thủ phủ Virapura của Panduranga ngày xưa. Phía tây nam có Danao Panrang, Bầu Phanrang, ngày nay gọi là Bầu Trúc, một tên gọi mang tính đặc trưng chỉ 5 vùng Panrang (Phan Rang), Kraong (Lòng Sông), Parik (Phan Rí), Pajai (Ma Lâm), Pacam (Thôn Chăm) của xứ Panduranga.


                                                                                 Ruộng muối - Đầm Vua- Ảnh Hà Tiên 

 III. Xã Nhơn Hải

1. Đình Khánh Nhơn

Đình Khánh Nhơn thuộc thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Từ Đình Khánh Hội, xã Tri Hải tiếp tục hành trình trên tỉnh lộ 702 đến xã Nhơn Hải. Phía bên trái là ruộng muối bao la, phía bên phải là hàng loạt trại tôm giống men theo ven biển, dừng chân tại thôn Khánh Nhơn 1 là đến di tích cấp Quốc gia.

Theo các bô lão trong thôn, xưa kia khu vực làng Khánh Nhơn là khu rừng hoang, được người xưa đặt tên là Rừng Cấm - với nhiều cây cổ thụ mọc trên vùng cát trắng. Mãi đến những năm nửa cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, cùng với việc di cư của người Việt từ ngoài vào thì vùng đất hoang sơ này mới được khai khẩn và lập làng bởi các cư dân Việt đầu tiên thuộc các họ: Họ Nguyễn, họ Trần, họ Đinh, họ Phạm, họ Hồ.

Khi công việc lập làng đã hoàn thành, các vị tiền bối đã chủ trương xây dựng đình làng để thờ Thần Thành Hoàng, với nguyên vật liệu là tranh tre đơn giản. Sau này, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XIX - theo truyền khẩu là vào khỏang thời gian trị vì của vua Thành Thái (1889 - 1907), đình Khánh Nhơn mới thực sự được xây lại thành ngôi đình hoàn chỉnh như ngày nay trên khu đất của ngôi đình cũ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Ninh Thuận, Đình Khánh Nhơn cũng là một trong những cơ sở hoạt động cách mạng, là nơi đã từng nuôi dấu nhiều đồng chí lão thành cách mạng, góp phần trong cuộc cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Đình thờ Thần Thành Hoàng. Trong tâm thức của người dân, Thần Thành Hoàng là vị Thần bảo hộ của cộng đồng dân cư ở thôn làng mình. Ngài ngự trị tại Đình làng, chứng kiến đời sống, sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho mọi người được an khang thịnh vượng…  Tuy nhiên, do không có bia ký, sắc thần bị thất lạc ... nên cho đến nay việc xác định lai lịch của vị Thần Thành Hoàng chưa thật cụ thể, chỉ biết rằng ở Đình làng Khánh Nhơn đã được các vua Triều Nguyễn phong sắc 06 lần, mà lần phong sắc gần đây nhất là sắc phong dưới triều vua Khải Định (1916 - 1925).

Đình Khánh Nhơn thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Đình Khánh Nhơn được xây dựng về phía tây nam của làng Khánh Nhơn hiện nay, trên một khu cát trắng có diện tích: 5.025m2. Trước kia có tường bao bọc xung quanh, nhưng nay đã bị đổ (hiện nay vẫn còn những đóng gạch – dấu vết về bức tường bị đổ).

Cửa đình hướng về phía Nam – hướng của biển cả mênh mông, phía trước đình là bãi cát Nghiêm Lân trải dài mà theo cách ví von của người xưa thì đó là một con rồng nằm ẩn mình trong bãi cát và đang trườn ra biển cả.

Phía Bắc – mặt sau của ngôi đình là các dãy núi Hòn Ngang, Hòn Nhọn, Hòn Dồ làm điểm tựa vững chãi, là bức tường khổng lồ chắn gió cho ngôi đình và Thần, dân.

Phía Tây đình làng có dãy núi Hòn Nhỏ trải dài về phía Nam và tiếp giáp với cánh đồng muối Đầm Vua.

Mặt phía Đông của ngôi Đình là khu vực cư trú của người dân Khánh Nhơn và xa xa là biển xanh mênh mông.

Như vậy, các vị tiền bối đã có chủ ý trong việc tìm thế đất để xây dựng Đình làng – thế đất “Tụ thủy” – nước tụ hội – mà  theo quan niệm của người xưa thì “tụ thủy” cũng có nghĩa là “tụ linh, tụ phúc”.

Đình xây thành một tổng thể kiến trúc, bao gồm: Bức bình phong, tòa Chánh Điện, Tiền Hiền, Nhà Trù (nhà bếp), Nhà Cối (nhà kho), Miếu Năm Bà, Nhà Tây và Nhà Tiên Sư. Trước kia trong kiến trúc Đình còn có Nghi môn nhưng đã đổ vào những năm 1975 – 1976, hiện nay tại khu vực Nghi môn chỉ còn lại những đóng gạch đỗ nát. Phía trước Nghi môn 5m là cột cờ mà hiện nay vẫn còn bệ cột.

Từ ngoài vào (theo hướng Nam), qua khỏi vị trí của Nghi môn khoảng 5m có 02 bức bình phong ở phía trước của 02 kiến trúc: Chánh Điện và Miếu Năm Bà. Nối liền giữa bức bình phong và bậc thềm tòa Chánh Điện là cái sân bằng xi măng, bề mặt của sân được đào thành những hố rãnh để tạo thành những bệ ngồi cho các cụ trong làng dân những ngày cúng tế.

Mặt phía Đông của tòa Chánh Điện là các kiến trúc, gồm: Miếu Năm Bà, nhà Tiên Sư, Nhà Trù (nhà bếp), trong đó nhà Tiên Sư và nhà Trù được cây liền vách với nhau, các dãy nhà này đều cách tòa Chánh Điện bởi một lối đi chung khoảng 2m; cách vách phía tây của tòa Chánh Điện khoảng 1,5m là nhà Tây. Nhà Tiền Hiền nằm ở phía sau  tòa Chánh Điện – mặt hướng Bắc – và cũng cách tòa Chánh Điện bởi một lối đi rộng khoảng 2m. Liền vách đông của nhà Tiền Hiền là nhà kho (nhà Cối). Vách phía đông của nhà kho cũng được nối liền với nhà trù (nhà bếp).

Như vậy các kiến trúc ở mặt phía Đông và phía Bắc nối liền nhau tạo thành chữ “L” che kín mặt đông và mặt bắc của tòa Chánh Điện.

Bên cạnh mặt kiến trúc, ở Đình Khánh Nhơn còn có các mảng trang trí khá đặc sắc. Có thể nói rằng: các nghệ nhân xưa hầu như đã dồn hết tâm huyết của mình vào các đề tài trang trí, làm cho ngôi Đình vốn là bộ mặt của làng thêm phần thẩm mỹ.

Hầu hết các bộ phận vì kèo ở các kiến trúc Đình Khánh Nhơn đều được chạm khắc tỉ mỉ, cẩn thận. Cây trính được tạo dáng hình vỏ đậu - hai đầu được vuốt thon và hơi vòng lên phía trên, các đầu dư của cây trính, cây xuyên và hai đầu của các kèo đâm, kèo khuyết... đều được chạm khắc hình đầu Rồng và trang trí hoa dây cách điệu. Song, có thể nói: tiêu biểu và đặc sắc nhất ở Đình Khánh Nhơn là các mảng chạm khắc trên các bộ phận vì kèo ở Tiền Đàng và nhà Ghè.

Ở Tiền Đàng, cây trính có hình vỏ đậu, giữa hai bên thân có chạy chỉ nổi mỏng, ở hai mặt thân của cặp trính này được chạm nổi biểu tượng Rồng và hoa dây cách điệu, với nét chạm sâu, sắc sảo. Gắn với cây trính là cây trổng, đế của cây trổng được tạo thành những cánh hoa sen đang nở rộ và gắn liền với một khối hình hộp chữ nhật có khắc gờ nổi ở phần miệng và giữa thân.

Trang trí trên cây xuyên ở Tiền Đàng cũng tỉ mỉ và công phu: mặt trước của cây xuyên chia thành các ô trang trí (gồm 04 ô), với các đề tài: Lưỡng long chầu nhật”, đề tài chim Phụng (ở cây xuyên phía trước) và đề tài “Bát bưu” (ở cây xuyên phía sau). Hai bên thân của cặp xuyên này đều được chạm nổi các dải hoa dây trang trí.

Trang trí chạm khắc trên các bộ phận vì ở khu vực nhà Ghè cũng được các nghệ nhân xưa thể hiện một cách tinh tế, độc đáo và sinh động; đặc biệt là trên bộ bộ phận cây trính và cây trổng.

Cây trính ở nhà Ghè cũng được tạo dáng hình vỏ đậu, hai đầu cây trính – phần gắn vào cột cái – chạm nổi đề tài hoa dây, phần thân dưới được chia làm các ô hình chữ  nhật, bên trong các ô này chạm nổi các đề tài “Cá hóa Long”, “Hà đồ chở cuốn thư” (trang trí trên cây trính bên trái – tính từ ngoài vào) và chạm khắc hình một con Phụng đang bay, đề tài “Cá hóa Long” (mặt dưới cây trính bên phải – tính từ ngoài vào).

Hai mặt bên của hai cây trính chạm khắc đề tài hoa dây cách điệu (cây trính bên trái), biểu tượng “bửu bối” và hình con dơi xen giữa hoa dây cách điệu (cây trính bên phải). Cây trổng ở nhà Ghè được làm dạng đùi ếch – to ở giữa và thon dần hai bên. Đế của các cây trổng này được chạm nổi hai mặt hình con lân trong tư thế phủ phục, đội cây trổng trên lưng, đuôi các con lân hướng lên phía trên.

Từ ngoài vào, ngăn cách giữa nhà Ghè và Chánh Tẩm là hàng cột – gồm hai cột cái và hai cột con – liên kết với nhau tạo thành ba lối cửa để vào bên trong Chánh Tẩm; bờ riềm hai bên của các cửa này được chạm khắc hình chim Phụng  (theo lối chạm lộng). Trên chân cột cái ở lối vào chính giữa gắn một miếng gỗ có dạng hình chân móng,  trên đó trang trí các dải hoa dây. Bờ riềm nằm ngang ở phía trên của lối vào chính giữa là chạm khắc – theo lối chạm lộng – hình hoa cúc xen kẻ là ba tấm gỗ tròn màu đen, bên trong có chạm xà cừ (dân trong vùng gọi tấm gỗ tròn là “con mắt”). Trang trí trên cùng ở lối vào này là đề tài “Lưỡng Long chầu nguyệt”.

Tấm ván nong (tấm bảng lồng) trước ChánhTẩm được chia làm ba lớp phân cách nhau bởi các gờ nổi, ở mỗi lớp lại phân thành các ô trang trí: Hồi văn hình học, chấn song con triện …

Ngoài các mảng chạm khắc ở bộ phận vì kèo, thì trang trí trên các hương án, khám thờ… ở các tòa nhà cũng được thể hiện một cách tinh vi.

Bên cạnh các mảng trang trí trên gỗ bằng các kỹ thuật chạm nổi và chạm lộng; Kỹ thuật đắp nổi trên các đầu đao, bờ kim, đầu đốc, đường bờ dài…cũng được người thợ xưa thể hiện một cách công, tài tình với nhiều đề tài sinh động: “Lưỡng Long tranh châu”, “Lưỡng Long chầu nhật”, “Bát Tiên”, “Tứ thời”, hoa dây cách điệu…

Tóm lại, sự phong phú về đề tài trang trí, cùng với những chạm khắc tinh xảo về đường nét; nhiều mảng trang trí đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi Đình này.

2. Đình Mỹ Tường

Đình Mỹ Tường thuộc thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, Huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Từ Thành phố Phan Rang đi dọc ờ biển Ninh Chử theo hướng Đông Bắc khoảng 18km là đến di tích làng Mỹ Tường, rất thuận tiện cho các loại xe cơ giới đi vào.

Dựa trên bối cảnh lịch sử cũng như những truyền khẩu của các đơn vị bô lão, thân hào, nhân sĩ qua nhiều thế hệ tại địa phương cho biết cư dân làng Mỹ Tường ngày nay là các cư dân từ Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên theo bước chân nam tiến của Chúa Nguyễn vào đây để khai khẩn lập làng vào khoảng cuối thế kỉ XVII. Sau khi công việc lập làng đã ổn định, dân cư ngày càng đông, dân trí mở mang nông-ngư ngày càng thịnh vượng, vào đầu thế kỉ XVIII các vị tiền bối đã chủ trương xây dựng đình làng để thờ Thần Thành Hoàng, ngôi đình ban đầu xây với nguyên vật liệu là vách bằng tre lá, mái tranh đơn giản. Vào khoảng năm 1810 (Canh Ngọ) Năm Gia Long thứ Tám, đình Mỹ Tường mới thật sự được xây lại bề thế thành ngôi đình hoàn chỉnh (đình lúc này có tên là Cửu Hữu). Năm 1947, đình bị thực dân Pháp chiếm làm đồn để đóng quân. Năm 1954 đã được đại đội cách mạng 210 giải phóng trong đêm ngày 4 tháng 5 (Năm Giáp Ngọ) lúc này đình chỉ còn một đóng gạch ngói, đến 6 năm sau (1960), đình mới được xây dựng lại và lấy tên là Đình Mỹ Tường.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ, Đình Mỹ Tường là một trong những nơi đặt cơ cơ sở hành chánh chính quyền cách mạng lâm thời, và cùng là nơi nuôi dấu nhiều đồng chí lão thành cách mạng góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Vì không có bia ký, sắc thần của các triều vua ban bị thất lạc nên việc xác định lai lịch của vị thần thờ ở đình chưa thật cụ thể, ngày nay dân trong làng chỉ biết vị thần bảo hộ cho cộng đồng cư dân làng mình là: “Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh”. Ngài bảo vệ và phù hộ độ trì cho cuộc sống mọi người an khang, thịnh vượng, làng nước an lành, nông – ngư hưng thịnh, mưa thuận gió hòa. Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làn chỉ biết rằng đình Mỹ Tường đã được các vua triều Nguyễn phong sắc gần đây nhất là sắc phong dưới vua Minh Mạng thứ nhất năm 1821 (Canh Thìn), vua Thành Thái thứ nhất năm 1889 (Kỷ Sửu), vua Khải Định thứ nhất năm 1916 (Bính Thìn).

Đình Mỹ Tường thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo.

Đình Mỹ Tường được xây dựng trên một khu đất có diện tích 8.741m2. Cửa của đình hướng về phía Nam, có một cái bầu quanh năm đầy nước giớ đây đã bồi cạn, phía Bắc đình giáp với cánh đồng lúa, nho…, phía Tây giáp với thôn Khánh Nhơn, Đông giáp với khu dân cư. Từ hướng Nam vào, cửa đình xây bằng vật liệu xi măng, đá, cốt thép rộng vừa phải tương xứng với kiến trúc của đình, cửa được xây gồm hai cột vuông, mặt cột có đường kính 0,4m, cao 3,4m, rộng 3,2m lắp hai cánh cửa sắt mỗi cánh cao 2m, rộng 1,5m được trang trí bằng các hình thoi và hoa sen. Trên cửa treo tấm bảng tôn sắt có đường kính dài 3,6m, rộng 0,4m được sơn chữ “Đình Mỹ Tường”.

Đình xây dựng thành một khối tổng thể với lối kiến trúc theo hình chữ nhật (-), bao gồm: Cột cờ, án phong, sân võ ca, sân lễ, nhà Tiền đàng, Chánh điện (hậu cung), nhà Tiền hiền, nhà Tiền sư, Lăng bà (ngũ hành), Miếu Thần nông, bàn thờ chúa tướng sơn lâm (cọp), nhà kho, nhà trù, hồ nước.

Từ ngoài vào (theo hướng Nam), qua khỏi vị trí cửa khoảng 10m là đến cột cờ nền xây dựng hình tròn tạo thành 4 cấp lên, đế nền có đường kính 2,2m, trên dựng cột cờ bằng cây gỗ hình tròn có đường kính 20cm, cao 8m sơn màu đỏ.

Hàng năm, ở đình Mỹ Tường diễn ra 3 lễ tế chính: Lễ tế Thu (hai lễ này còn gọi là xuân kỳ thu tế) và lễ Giáp Ấn, trong đó lễ tế Xuân là lễ quan trọng và lớn nhất, tất cả các thành viên trong Ban quản lý đình đều tham gia trước ngày tế, toàn dân và các hương chức họp ở đình để bàn việc tổ chức và bầu ra Ban Tế tự.

Lễ được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm với ý nghĩa đền đáp công thần, các vị tiền bối, chiến sĩ trận vong và tưởng nhớ Quốc Tổ Hùng Vương. Lễ được bắt đầu vào lúc 18h ngày hôm trước và kết thúc vào 9h sáng hôm sau. Lễ vật chính gồm có: 01 con heo, xôi, gà, hoa, quả.

Lễ tế Thu: Lễ được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 9 (dương lịch) hàng năm, với các nghi thức cúng tế tương tự như lễ tế Xuân nhưng lễ vật ở lễ này đơn giản hơn.

Lễ Giáp Ấn: Lễ được tổ chức vào buổi sáng ngày 25 tháng 12 (âm lịch) hàng năm, với các nghi thức cúng tế và lễ vạt cúng ở lễ này đơn giản như: Xôi, chè, bánh trái, hoa quả… Đây là mà ngày trước đây ban hương chức trong làng làm lễ niêm ấn (cất con dấu). Sau lễ Giáp Ấn mọi việc hành chánh tạm nghỉ đến đón tết Nguyên Đán.

Mặc dù ban đầu đình chỉ dựng lên một nét vách tre, mái lá, mãi về sau đình xây dựng lại bề thế hơn, hoàn chỉnh hơn, hoàn chỉnh hơn. Bản thân chứa những giá trị kiến trúc điêu khắc theo đường nét cổ kính, tạo dáng vẻ và cũng thể hiện được những nét độc đáo, tinh vi mà bàn tay của những nghệ nhân đã đem hết khả năng, sức lực, tâm trí để xây dựng. Như vậy yếu tố kiến trúc đình Mỹ Tường được xây dựng trong một không gian rộng thoáng, với kiểu nhà tứ trụ, ba gian, các bộ phận vì kèo tuy chạm trổ đơn giản nhưng kết nối rất kĩ thuật và chắc chắn, tổng hợp giữa haa trường phái cổ và tạo được nét hài hòa trong kết nối.

Bên cạnh kiến trúc, đình Mỹ Tường vẫn còn giữ nguyên và đi theo đường nét chạm khắc cổ. Hầu hết các mảng trang trí mang đậm nét truyền thống được bàn tay nghệ nhân sử dụng để làm đẹp và thêm phần trang trọng cho ngôi đình như: hình tượng tứ linh “Lưỡng long tranh châu”, “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Sư tử chầu hầu”, “Tùng Lộc”, “Mai Điểu”, “Sóc Hoa” được chạm khắc trên các đầu đao mái, con lươn tạo cho ngôi đình thêm nhiều nét cổ kính, sinh động hài hòa làm cho cảnh quan ngôi đình thêm phần thẩm mỹ và gây được sự cảm hứng cho người xem.

Ngoài những giá trị về kiến trúc và điêu khắc, đình Mỹ Tường còn gắn liền với tinh thần cộng động văn hóa, lễ hội, còn giữ gìn và duy trì con đây là nếp cổ truyền của dân tộc gắn liền cuộc sống và tâm linh của dân làng.

Rời thăm hai di tích tại Nhơn Hải du khách cần biết thêm đặc sản của vùng đất nơi này đó là: Tỏi Nhơn Hải còn gọi Tỏi Phan Rang (Ngày 26/11, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh công bố nhãn hiệu cho sản phẩm “Tỏi Phan Rang“, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu).

Sản phẩm tỏi Phan Rang mang nhãn hiệu Hương vị của nắng và gió Phan Rang. Lai lịch của vùng hành, tỏi Phan Rang không phải ngẫu nhiên mà có. Dân kể rằng, vào thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, vùng Bình Sơn, Văn Sơn (thuộc Phường Văn Hải và Mỹ Bình thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) được các chuyên gia Đài Loan chuyển giao và hướng dẫn quy trình trồng hành, tỏi. Đến thập niên tám mươi của thế kỷ trước, vùng Mỹ Tường, Nhơn Hải tiếp tục được trồng hành, tỏi từng là những vùng chuyên trồng hành tây để xuất khẩu sang Liên Xô cũ.

Trước đó, những chuyên gia nông học từ Liên bang Xô Viết xa xôi đã lặn lội hàng tháng trời tiến hành khảo sát và phân tích mẫu đất. Xứ biển Ninh Thuận có những vùng cát bạt ngàn phơi dưới nắng chói chang, nhưng chỉ có vài vùng hẹp ven Phan Rang được “tín nhiệm” là nơi trồng hành tây. Hành tây Phan Rang củ không lớn nhưng chắc nịch, có vị ngọt sắc.  Có một điều khác biệt, củ tỏi cũng chỉ ngang quả cà pháo. Tép ngoài nhỏ cỡ hạt chanh, tép trong chỉ nhỉnh hơn tép bưởi. Bé, nhưng là “bé hạt tiêu”! Tỏi Phan Rang hấp dẫn từ hình hài, màu sắc đến hương vị. Tỏi có vỏ lụa ngoài bóng mịn, củ săn chắc, ăn tươi có vị cay tê tê đầu lưỡi, mùi thơm cay nồng kích thích nhưng không sốc và hầu như ít để lại mùi hôi sau khi ăn. Những củ tỏi “mồ côi”, củ chỉ có một tép duy nhất có vị riêng hơn.

Một điều đặc biệt nữa, hành tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong thời gian 3 – 6 tháng sau thu hoạch, thậm chí lâu hơn nữa mà vẫn giữ hương vị ban đầu, không bị thối, óp. Sự khác biệt ấy đã giúp sản phẩm hành, tỏi Phan Rang được thị trường cả nước đặc biệt ưa chuộng. Sản phẩm này có mặt rộng rãi khắp Bắc, Trung, Nam, “bao sân” cả xứ rau màu Đà Lạt (Lâm Đồng). Về giá cả, hành, tỏi Phan Rang thường vẫn đứng đầu bảng so với các sản phẩm cùng loại. Hương vị đặc trưng xuất phát từ đâu? Các kết quả phân tích mẫu đất của cơ quan chuyên môn đã xác định đất trồng hành, tỏi ở Ninh Thuận là đất cát trên nền trầm tích của san hô, loại đất rất giàu các khoáng chất ka li, ma giê, sắt…

                                              

                                                                                          Đình Mỹ Tường - ảnh: Hà Tiên

IV. Xã Thanh Hải

1. Hòn Đỏ, thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải

Hòn Đỏ là điểm đến mới tại Ninh Thuận. Từ trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo hướng Vĩnh Hy khoảng chừng 20 km đến thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải và tiếp tục đi bộ men theo con đường cát vàng mịn khoảng 20 phút là đến Hòn Đỏ.

Theo tiến sĩ Lyon De Vantier, chuyên gia về hải dương học của Australia, các vùng rạn san hô thuộc vùng biển huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có khoảng 330 loài san hô, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo thành một vùng rạn nhiều màu sắc phong phú, độc đáo. Riêng vùng rạn san hô Hòn Đỏ thuộc xã Thanh Hải (Ninh Hải) dù chỉ rộng hơn 15 ha đã có 42 giống san hô thuộc 17 họ, tạo thành một môi trường cư trú cho 92 loài thủy sản quý hiếm.

Buổi sáng khi đến đây, hình ảnh đầu tiên bạn bắt gặp đó là bức tranh mưu sinh của người dân vùng biển diễn ra trong không khí nhộn nhịp và đừng ngần ngại khi xin người dân tham gia trải nghiệm thu hoạch cá, rong sụn. Sau đó, hãy chinh phục rừng dương rộng bạt ngàn trên ngọn đồi cao, phía sau là cả một vùng biển trong xanh, rất đẹp với những cơn sóng vỗ rì rào, những rạn san hô hóa đá kéo dài vài chục mét, thấp thoáng trong mây trời là những hòn đảo.

Ngoài ra, ở đây sóng và gió rất mạnh, nếu có điều kiện hãy mang theo dù bay để lướt sóng, hoặc có thể thư giãn câu cá và cắm trại qua đêm.

“Rừng” dưới biển  

Có lẽ biển ở thôn Mỹ Hiệp, một làng chài nghèo ven biển như bao làng chài khác ở miền Trung, lại được thiên nhiên hào phóng ban tặng báu vật hiếm thấy của tự nhiên. Đó là san hô mà nổi tiếng nhất là khu vực Hòn Đỏ, một đồi cát trồng phi lao thành rừng có màu đỏ tươi pha lẫn san hô đã hóa thạch, mà ai mới nhìn nghĩ là đồi cát pha núi đá.  

Tương truyền xưa kia, một người vợ thứ của vua Chăm vì giận chồng không ưu ái mình so với hoàng hậu, nên bà ra biển nhai trầu ngắm biển, vì tức chồng nên khạc nhổ bã trầu đỏ tươi đang nhai và giờ đây người dân gọi nơi đó là Hòn Đỏ mà đứng ở xa trông rất lạ, hai bên Hòn Đỏ thì đồi cát trắng, còn nó thì đỏ tươi như đất đỏ bazan ở Đông Nam bộ. Bây giờ trên Hòn Đỏ có đền thờ bà vợ thứ của vua và hàng năm, người Chăm tới đây viếng khá đông.  

Nhưng Mỹ Hiệp thu hút khách du lịch thập phương không chỉ Hòn Đỏ, mà bãi biển trước mặt nó mới là nét độc đáo mà ít vùng biển nào ở Việt Nam có được. Đó là những bãi san hô cổ có hàng triệu năm tuổi đã hóa đá, thậm chí vách bờ biển cũng là những vách san hô cổ đã hóa đá mà nếu không ai giải thích, khách du lịch lầm tưởng đó là bờ đá ven biển.

Dọc bãi biển Hòn Đỏ hơn 500 mét, san hô hóa đá tạo thành rạn trên bờ, tạo thành đảo nhỏ nhô lên ven bờ, tạo thành bờ vực mà đứng trên bờ mắt thường cũng nhìn thấy rất hùng vĩ.  

Còn ở dưới nước, san hô sống có, đã chết cũng có vì sự phá hoại của con người nhưng theo lời ông Phạm Đua, 68 tuổi,  thành viên của tổ tình nguyện đã bám biển từ nhỏ thì hiếm có nơi nào ở biển Việt Nam mà san hô đẹp, phong phú và đa dạng như ở đây. Có lẽ vì vậy mà 7 năm trước, Sở Khoa học Công nghệ Ninh Thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức bảo tồn san hô. Còn bây giờ, vùng biển san hô trên bờ thì dày đặc như núi đá, dưới biển thì như rừng rậm thuộc trách nhiệm gìn giữ của Vườn quốc gia Núi Chúa.  

Ông Đua gắn bó với biển cả đời, đã ví san hô dưới biển như rừng trên đất liền. Nếu rừng trên đất liền giúp bảo vệ sinh thái môi trường, nơi muông thú sinh sống tụ hội thì san hô ở biển cũng có chức năng tương tự, cũng giúp tạo môi trường tốt cho biển cả và nơi nào có nhiều san hô, nơi ấy quần tụ tôm cá phong phú.  

“Cũng loài cá ấy nhưng nếu câu được ở vùng biển nhiều san hô thì cá chất lượng thịt cao, ăn ngon, bán giá đắt so với cá ở các vùng biển không có san hô”, ông Đua nói khi cùng chúng tôi ăn món cá nhái cuốn bánh tráng, con cá dài nửa thước, to hơn bắp tay có xương màu xanh dương rất lạ.  

Giữ “rừng”  

Gần như du khách nào khi tới Hòn Đỏ ngắm san hô trên đất liền hay lặn biển xem cá tôm, san hô ở đây đều ghé thăm trạm bảo vệ san hô Mỹ Hiệp của tổ tình nguyện viên. Theo lời anh Hùng, cả tổ có 6 người đều là ngư dân, người thì có ghe đánh cá, người thì chuyên lặn bắt cá và để bảo vệ san hô, họ chia nhau trực cứ 1 ngày đêm 2 người. Như anh Hùng, hết phiên trực, anh cùng con trai đi biển trên chiếc ghe 12 mã lực.  

Trước đây, mỗi tình nguyện viên được dự án hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, nay tăng lên được 300.000 đồng và dường như công việc bảo vệ bây giờ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, dù rằng phạm vi bảo vệ của họ là 500 mét chiều dài bờ biển (từ Cửa Lạch tới Mũi Đỏ) và 300 mét từ bờ trở ra, tức 15 héc ta, vẫn như trước đây.  

Trước năm 2000, đánh mìn ở biển để bắt cá tôm đã làm hư hại san hô sống dưới biển, ngày nào cũng có tiếng mìn nổ, tới mức 99% đàn ông trong thôn dù làm bất kỳ nghề gì thì cũng có thêm nghề phụ là lặn bắt cá ké sau khi những kẻ phá hoại nổ mìn. Rồi những người khai thác san hô dưới biển nhiều màu sắc, hình thù để cung cấp cho thị trường san hô làm cảnh, tới cả chuyện người dân khai thác san hô cổ trên bờ để làm nền nhà, để đưa ra biển làm bẫy nhử tôm hùm…  

“Lúc ấy mạnh ai nấy khai thác, tới mức cá tôm cạn kiệt dần vì rừng san hô bị tàn phá”, anh Hùng kể lại. Sau khi các anh xung phong làm nguyện viên giữ rừng san hô, cùng với xã, huyện, các tình nguyện viên tham gia giới thiệu lợi ích của san hô ở biển cho bà con trong thôn, cho bạn thuyền hàng ngày đi biển, cho học sinh, thanh niên trong xã, huyện. Khi khách du lịch tới đây tham quan ngày một nhiều thì các tình nguyện viên “làm thêm” bằng cách giới thiệu công tác bảo tồn san hô để nâng cao kiến thức môi trường biển cho du khách.  

Giờ đây, anh Hùng nói vui là tổ chỉ có 6 tình nguyên viên bảo vệ san hô nhưng thực ra là mọi người trong dòng họ của 6 gia đình đều tham gia bảo vệ, rồi cả thôn cùng bảo vệ. Tình trạng khai thác san hô cổ trên bờ trái phép, tàn phá rạn san hô dưới biển đã không còn.  

Đời sống của người dân cũng tốt hơn vì cá tôm thấy rừng san hô yên bình nên tụ hội về nhiều hơn, ngư dân câu được nhiều cá có giá trị. Còn tình nguyện viên thì được dự án hỗ trợ thêm bằng cách giúp nuôi rong sụn tăng thêm thu nhập, hay nuôi con dông.  

“Giữ rừng san hô dưới biển còn khó hơn rừng trên cạn rất nhiều, mỗi năm cây san hô sống chỉ lớn thêm bằng đốt ngón tay, mấy chỗ bị phá trước đây phải mất cả chục, hàng chục năm san hô mới sống và lớn trở lại”, anh Hùng nói và kể anh là một thợ lặn có cỡ, hàng ngày, lúc rảnh anh thường lặn xuống biển ngắm san hô lớn như thế nào.  Hình như muốn những khách phương xa như chúng tôi biết vẻ đẹp của các rạn san hô sống dưới biển cùng tôm cá phong phú ở đây, anh Hùng hướng dẫn chúng tôi lặn biển theo cách đeo mặt nạ lặn với vòi hơi nổi lên trên (giống như úp mặt dưới nước) để xem san hô.

Nhóm du khách chúng tôi hôm ấy, dù sóng biển hơi lớn nhưng cũng cố bơi ra hơn 20 mét để úp mặt xuống xem san hô. Quả thật, san hô ở đây phong phú, cá đủ loại, nhiều màu sắc, dù rằng nó khá gần bờ.  

Lặn biển xong, chúng tôi được anh Hùng mời bữa ăn trưa dân dã của xứ biển là cá nhái vừa câu được ở đây nấu ngót, cá thì cuốn bánh tráng, nước thì chan cơm, một con cá nhái khác thì cắt khúc ra nướng với củi lượm trong rừng phi lao có khá nhiều, chấm mắm mặn miền biển.

Được biết năm 1983 di tích Hòn Đỏ được khai quật lần đầu, năm 2000 được khai quật lại. Di tích Hòn Đỏ là nơi thờ hoàng hậu Bia Sôi của người Chăm. Hằng năm vào khoảng tháng 4 dương lịch, người Chăm thường đến lăng ông Đỏ làm lễ, sau đó làm lễ cầu đảo tại Hòn Đỏ. Trong cụm di tích Hòn Đỏ còn có giếng cổ Chăm và những di vật bôn đá, mộ chum, mảnh gốm Sa Huỳnh và những tô, chén, bình... tráng men Trung Quốc đã bị vỡ vụn mà niên đại phổ biến ở thế kỷ X - XIII. Di tích Hòn Đỏ được các nhà khảo cổ kết luận là nơi  dừng  chân để lấy nước ngọt cho các tàu buôn Trung Quốc trên đường buôn bán quốc tế.

                                

                                                                                      Một góc Hòn Đỏ, xã Thanh Hải -ảnh: Hà Tiên

 V. Xã Vĩnh Hải

1. Hành trình về Núi Chúa

Di tích lịch sử CK 19

Nằm dưới chân núi Chúa thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là nơi in đậm dấu tích lịch sử của một thời hào hùng chống xâm lược. Căn cứ này lấy tên là CK19 vì được thành lập vào ngày 19 tháng 8 năm 1946. Căn cứ CK19 tồn tại trong thời kỳ chống Pháp, đến chống Mỹ và cho đến ngày hoàn toàn giải phóng. Đây là một trong những nơi ẩn náu của Bộ chỉ huy quân sự để chỉ đạo chiến tranh, hiện nay vẫn còn những di tích để lại như hầm hào, bếp Hoàng Cầm. Bờ biển ở đây là nơi tập kết vũ khí và quân trang từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Đại đội trưởng phụ trách CK19 đầu tiên là Thái Chu Lương. Sau khi hy sinh, đại đội được vinh dự mang tên anh đại đội Thái Chu Lương. Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn được khôi phục và tôn tạo khu di tích này để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Nằm phía đông bắc tỉnh Ninh Thuận, cách Phan Rang chừng 20km, Vườn Quốc gia Núi Chúa có tài nguyên rừng rất phong phú, đa dạng với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 29.865ha. Núi Chúa có độ cao 1.040m so với mặt biển, nơi có 1.265 loài thực vật bậc cao, đặc hữu quý hiếm; 306 loài động vật hoang dã, có nhiều loài được ghi vào sách đỏ thế giới như: chà vá chân đen, gấu ngựa, gấu chó, beo lửa... Len lỏi trên sườn núi cao là những dòng suối chảy xiết, tung bọt nước trắng xoá: suối Lồ Ồ, Đông Nha... là những thắng cảnh đẹp như trong truyện cổ tích, nằm giữa những vách núi đá với nhiều thác nước chảy mạnh hoặc làn nước lặng lờ, trong xanh, mát lạnh. Dưới đáy biển trong Vườn Quốc gia Núi Chúa là các rạn san hô đa dạng sắc màu. Tàu đáy kính của các công ty du lịch sẽ đưa du khách ngắm san hô và động vật biển qua các ô kính.

Vườn quốc gia Núi Chúa - huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận được bảo tồn nghiêm ngặt nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ không khai thác. Khám phá vùng đất quyến rũ này bằng một chuyến du lịch bụi, thấm mệt khi leo những con dốc dài mới cảm nhận được hết sự kỳ vĩ nơi đây

Nằm trong hệ thống các khu rừng nguyên sinh đang được bảo tồn, vườn quốc gia Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận mang dáng dấp một chú rùa biển khổng lồ trong tư thế bò lên bờ, đầu quay về hướng Nam còn đuôi thì thò vào vịnh Cam Ranh.

Bắt đầu từ truyền thuyết

Chuyến tàu đến Ninh Chử dừng ở ga Tháp Chàm, đón xe về Ninh Hải, cảm nhận đầu tiên là vẻ hoang sơ của bãi biển đầy nắng, cát, gió và xương rồng cùng với màu xanh bạt ngàn của một bên là biển cả và một bên là rừng núi điệp điệp trùng trùng. Quả không ngoa khi nói rằng khu vực nơi đây có khí hậu khô hạn nhất miền Trung bởi vì dãy Núi Chúa mà cao nhất là đỉnh Cô Tuy, hay còn gọi là Núi Chúa Anh, với độ cao 1.040 mét đã tạo một dãy cánh cung ôm quanh đồng bằng ven biển, gần như là một sườn đón gió lấy hết hơi ẩm từ gió mùa hè thổi ra. Thế nhưng thiên nhiên bù đắp cho nơi này những vịnh biển đẹp tuyệt trần như vịnh Cam Ranh, Vịnh Vĩnh Hy…,những đồng bằng muối xinh xắn, những vườn nho xanh rì trĩu quả, những đàn cừu thịt thong thả đi ăn bên con đường dốc cao uốn lượn nhìn xuống từng con sóng bạc đầu hay những con suối như suối Lồ Ồ vừa ngắn vừa dốc hùng vĩ chảy suốt ngày đêm... Cách trungtâm huyện Ninh Hải 30 km là xã Vĩnh Hải, nơi có vịnh Vĩnh Hy nổi tiếng kín gió, êm ả với nước luôn trong xanh, là nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão của hầu hết ngư dân mỗi khi đang đánh bắt trong khu vực Tây Trung Bộ, và cũng là nơi nghỉ dưỡng thú vị của những người yêu biển yêu rừng.

Trên đường đến vịnh Vĩnh Hy, bạn sẽ được nghe truyền thuyết bi tráng của người địa phương kể về hai đỉnh núi cao nhất trong dãy Núi Chúa này, đó là núi Chúa Anh và núi Chúa Em. Như bao câu chuyện khác, anh và em luôn quấn quýt bên nhau khi đã lìa khỏi dương trần và dòng máu ruột thịt của họ thấm đẫm đất Cô Tuy tạo cho nước Đầm Nại hay Đầm Vua luôn đậm đà hạt muối, cho mùa rượu nho thêm đượm nồng. Trước khi bước qua Dốc Gió để bắt đầu đặt chân vào địa phận Núi Chúa, bạn nên dừng chân ở Dốc Dinh Bà, hít thật sâu không khí trắng tinh mùi muối mặn, nghe như lồng ngực rắn rỏi thêm cho cuộc hành trình đến cuối vườn Quốc gia.

Đến khám phá ẩm thực

Từ vịnh Vĩnh Hy đi thêm vài km nữa là đến địa phận thôn Cầu Gãy, đây là thôn cuối cùng trong hệ thống năm thôn của xã Vĩnh Hải. Cuối con đường dốc là cầu treo dẫn vào suối Lồ Ồ. Đứng ở lưng chừng dốc nghe tiếng nước chảy rì rào bên dưới, nhìn xuống từ trên cao con suối trắng xóa tuy ngắn nhưng đập vào đá tảng nghe thành tiếng sóng vỗ bờ. Qua cầu treo, đón mọi người là căn nhà nhỏ ở bìa rừng, nơi nghỉ chân ăn vài ngọn mía, uống chút mật ong rừng chính hiệu hay nhấm nháp vị chua chua ngọt ngọt của chùm trái xoay đen như nhung, thích thú với cái võng đong đưa, nghe tiếng suối chảy để rồi có thể ngủ quên lúc nào không hay… Mùi núi rừng có sức hấp dẫn lạ kỳ, vòng vèo trên con đường mòn ra suối, hơi nước mát rượi phả lên người khiến bao nhiêu mệt nhọc tan biến. Nếu không mua vài lít mật về xuôi thì cũng ghé thăm nơi trưng bày và mua vài sản phẩm thủ công mỹ nghệ hạt cây rừng của đồng bào RắcLay do chị Cao Thị Thủy (Điện thoại: 0163.932.0626) trực tiếp sản xuất và bán hàng tại trưng bày thôn Cầu Gãy. Chơi ở rừng phải nhớ tranh thủ về sớm bởi thời gian trong rừng đi qua rất nhanh, mới nắng đó đã thấy muốn âm u chiều tà. Lại ngoằn ngoèo đổ dốc về với đồng bằng, ăn những món ăn chỉ có tại địa phương như bánh căn nhân mực, bánh hỏi lòng heo hay không thể quên mùi lá xào dông ăn với thịt dông nướng muối ớt ngọt giòn.

Buổi tối lượn lờ trên phố vắng, ngắm quảng trường ở trung tâm thành phố, dễ dàng tìm một gánh chuối chưng trên vỉa hè hay tạt vào một dãy bán đặc sản mứt trái xoay tìm mua quà cho gia đình và bè bạn. Trái xoay là một loại trái đặc biệt ở đây. Người ta hái trái xoay trên rừng trong những mùa nắng rồi để thành đống trong kho, sau đó tách ruột đem phơi và làm mứt. Cũng có hai loại mứt ngọt với đường hay mặn với muối. Điều khác biệt với trái xoay nơi khác là trái xoay ở núi Chúa rất ngon, chắc hạt dẻo thịt, mùi thơm, vị chua thanh và ít bị sâu nhất. Món ăn chơi này tuy bình dị nhưng lại khó kiếm ở thị thành bởi đặc sản của rừng Núi Chúa lúc nào cũng gắn liền với sóng biển…

Hai ngày ở Ninh Hải dường như chưa đủ để khám phá một Ninh Chử thân thiện và nguyên sơ. Và sẽ thật thiếu sót khi trong vẻ đẹp của biển Ninh Chử hoàn toàn không có vườn quốc gia Núi Chúa, cũng như đến Phan Rang mà không thấy Tháp Chàm vậy.

                     

                                                                                       Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải- ảnh: Hà Tiên

Cảm nhận về Núi Chúa của một du khách

Ở miền Trung và cao nguyên xứ mình, đa số các vườn quốc gia đều cát cứ giữa đại ngàn, nhưng vườn Núi Chúa ở Ninh Thuận là quần thể nằm vắt ngang biển - núi. Vườn có diện tích rộng 30.000ha, trong đó trên đất liền 22.500ha và biển là 7.500ha. Khu Núi Chúa được đánh giá là vùng khô hạn ở Đông Nam Á. Tại đây được các nhà khoa học Đức chứng minh rằng tính chất khí hậu không khác gì Châu Phi hay những vùng bán hoang mạc thường gặp ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Algeria. Tuy nhiên dưới đáy biển của vườn là rừng san hô nguyên vẹn và độc đáo đến mức mê hồn.

Nếu Ninh Thuận được xếp là nơi khô hạn và nắng nóng nhất nước thì vườn quốc gia Núi Chúa là vùng hanh khô nhất ở tỉnh này. Dải đất quanh năm gần như chỉ có nắng gió, rất ít ngày mưa. Vì vậy khách lạ đến đây thường ví von rằng: Phan Rang có nghĩa là "gió như phang và nắng như rang". Vào nửa tháng 8, từ thị trấn Khánh Hải chúng tôi phóng xe máy về Núi Chúa trong cơn hạn Bà Chằn, nóng muốn rám da mặt.

Con đường của nắng

Rời đầm Nại, Tri Thủy, chúng tôi chạy dọc theo tỉnh lộ 702 từ Tri Hải đi Vĩnh Hy, Bình Tiên đến Cam Ranh. Con đường mới mở, tráng nhựa phẳng lì dọc theo bờ biển nên gió thốc vào mặt như muốn ghì tay lái. Dọc hai xã Tri Hải và Nhơn Hải là cánh đồng muối mang tên Đầm Vua, nơi đây có 2 ụ muối, mỗi ụ cao đến 10m dài cả trăm mét trùm bạt kín nằm dưới cơn hạn. Lúc ấy là 11 giờ trưa, cánh đồng nằm dưới chân núi vắng bóng người, chỉ còn những cơn gió mặn chát cộng thêm cái nắng như rang muốn rợn người. Mặc dù chỉ cách bờ vài chục mét, gió từ biển Đông thổi vào rầm rập cũng không xua nổi cái nóng bất kham.

Đoạn đường dọc theo tuyến Vĩnh Hải đang thi công, thực ra là đang thay thế những khúc cua tay áo hay đường vòng. Âm vang tiếng máy khoan đá, đập đá chấn động một không gian yên tĩnh, ở từ xa đã nhận ra đám bụi mù chập chờn ở lưng chừng hẻm núi. Chúng tôi dừng xe ngồi bệt trên đường hỏi chuyện, được các kỹ sư và công nhân mặt đang lấm lem đất cát cho biết “Con đường này ra đến quốc lộ I tận thành phố Cam Ranh dài đến 60km. Tất cả đã hoàn thành, chỉ riêng đoạn 5km này là phần cuối cùng, chắc cũng vài tháng nữa mới xong”. Đứng trên dốc đá dựng tại đây nhìn xuống biển cách 400m, tôi bất ngờ nhận ra sự sống của biển và rừng. Dưới chân dốc, 7 ngôi nhà xây quay mặt ra biển có xe máy và hàng dừa xanh, còn trên dốc vài ngôi nhà tuềnh toàng nằm trong vườn điều với đàn dê núi. Dọc đường dê chạy sòng sọc kêu be be, vài con nằm lăn ra vệ đường mở mắt trừng trừng nhưng khi có tiếng động của người hay xe chúng bật dậy chạy vô rừng rất lẹ. Núi ở Vĩnh Hải nhấp nhô cây rừng mang hình dáng bonsai xòe ra trên đồi đá, điều đáng chú ý là tại đây khí trời khô khốc gió thổi vù vù rát bỏng, nhưng khu rừng lùn này vẫn xanh tươi. Ở trên đỉnh đồi thấp, đồi cao hàng chục con dê cố trèo lên đỉnh nhìn về biển cả, đẹp như tranh vẽ. Hình ảnh của dê, núi, biển cho thấy dáng vẻ hoang sơ của một vùng đất hiền lành và thơ mộng của đất nước mình. Trong tâm thức tôi vẫn thích ngắm đàn dê núi quay đầu ra biển be be gọi đàn hơn là những tòa nhà chọc trời. Sinh thái phải mang dáng vẻ tự nhiên, chứ không phải dành cho con người có tiền có quyền đổ bộ đến bờ biển chặt đứt từng khúc, gọi là đầu tư rồi xây dựng đường bê tông với ánh đèn, bể bơi, nhà hàng… bảo rằng đây là sinh thái.

Tỉnh lộ 702 dài đến nỗi chạy dọc theo bao nhiêu vách núi ven biển hoặc ra tận bờ cát gió thổi như phang thấm vào da thịt. Trên con đường này, tầm mắt của người ung dung phóng tận đỉnh núi, quét ra biển xanh xa tít ngoài khơi. Hình ảnh và không gian ven đường không những hữu tình mà còn nhuộm đầy chất thơ. Được đi, ngắm, nhìn đất và người hay giang san gấm vóc mới thấy quê mình đẹp, nước mình được thiên nhiên ưu đãi.

Vào tổng hành dinh Núi Chúa

Tôi đã từng có ý định tìm về Núi Chúa từ một cuộc gặp gỡ vô tình. Chuyện bắt đầu từ một cựu binh Mỹ cách đây 9 năm tại một quán cà phê ven hồ Xuân Hương, Đà Lạt. Lúc ấy, tôi tình cờ gặp một người Mỹ có tuổi mất chân trái ngồi một mình nhìn ra dòng người một cách tuyệt vọng. Tôi đoán, chắc là vị lữ khách có tâm trạng, nên chủ động mang ly cà phê đến làm quen với hy vọng có thể sưởi ấm con người viễn xứ. Gặp được người nói cùng ngôn ngữ, cùng mẫu số chung ông mừng lắm rồi tự giới thiệu tên mình là Dan, cựu thượng sĩ của lữ đoàn Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã từng đóng quân 6 tháng tại Núi Chúa vào năm 69 của thế kỷ trước. Ông Dan đập tay vào chân khuyết bảo rằng ông đã để lại một phần cơ thể mình tại Núi Chúa vì trúng mìn của ViSi (Việt Cộng). Lần sang Việt Nam này ông muốn về lại chiến trường xưa để nhớ một thời trai trẻ. Dan nhờ tôi dẫn đường đến Núi Chúa nhưng tôi từ chối vì không biết địa danh này ở đâu, mà thực ra cũng chưa tin được một người mới quen vài phút. Ông Dan ngồi khóc, những giọt nước mắt của người chiến binh già lăn tròn trên má khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Chiến tranh không phải trò đùa, đằng sau cuộc chiến còn một thứ khác dai dẳng hơn là tình người, tuổi xuân và nỗi đau mất mát…

Lâu rồi tôi không gặp lại ông Dan, nhưng mỗi lần gặp hoặc đi phiên dịch cho các cựu binh Mỹ tôi lại nhớ về Núi Chúa, nhớ giọt nước mắt của một người lính già trong tuyệt vọng rồi nhớ những thương binh nước mình của hai phía. Suy cho cùng, sau cuộc chiến tranh, nhân dân là người bị thiệt và nỗi đau lớn nhất thuộc về những người mẹ một thời mang nặng đẻ đau với niềm hy vọng về khúc ruột của mình.

12 giờ trưa chủ nhật, chúng tôi đến đại bản doanh vườn quốc gia Núi Chúa tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận. Đó là một tòa nhà khá hiện đại quay mặt ra hướng Đông cách biển khoảng 200m. Thật không may cho chúng tôi đúng vào ngày nghỉ nên văn phòng trống hoe, chỉ có hai anh em kiểm lâm dân tộc Chăm là Đào Anh Dũng, Đạt Đông Đoàn Trẻ. Tuy nhiên vẫn còn may mắn là gặp được Thạc sĩ Trương Thanh Trịnh, 36 tuổi, người Chăm là Phó phòng khoa học và quan hệ quốc tế cùng với các nhà côn trùng học người Bỉ, Đức còn ở lại vườn để nghiên cứu loài bọ mới phát hiện.

Joachim Bresseel, nhà côn trùng học người Bỉ mang cho tôi xem 5 con bọ quê (tiếng Anh là Stid) đang ngo ngoe trong hộp vừa bắt được trên đỉnh Núi Chúa đêm qua. Joacchim nói với tôi một cách sung mãn: “Ông xem đây! loại Stid này có mặt trên trái đất này từ năm 1876, sau đó bị tuyệt chủng đến nay lại xuất hiện tại khu bán hoang mạc này đó là một điều lạ. Mấy năm nay chúng tôi đi hết các vườn quốc gia Châu Á, đêm qua gặp chúng tại đây. Loại này thường sống về đêm trên đỉnh núi, phải vất vả lắm mới tìm thấy. Joachim gấp một con ra dứ dứ trước mặt tôi và cười rất mãn nguyện về công việc của mình. Tôi không phải là người nghiên cứu côn trùng nên nhìn loại bọ nào cũng như nhau, thậm chí không mấy hứng thú nhưng nhìn vẻ mặt của họ tôi phải vỗ tay đôm đốp chúc mừng, vì đó là công sức mồ hôi và những đêm thức trắng tận trên đỉnh núi cao, chỉ có những người yêu nghề mới lặn lội như thế. Joachim nói chuyện phím với tôi bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Anh nhưng khi gặp nhóm nghiên cứu anh chuyển sang tiếng Đức và tiếng Hà Lan. Tất cả 4 ngôn ngữ anh ta đều sử dụng thông thạo như nhau làm tôi thật sự trân trọng. “Ở Bỉ giới trí thức thông thạo 3 ngôn ngữ chính của thế giới Anh-Pháp-Đức, còn dân thường thì sao?”, tôi hỏi. “Trời! Chúng tôi là cộng đồng Châu Âu, nếu không biết 3 ngôn ngữ này sẽ trở thành rào cản. Văn hóa Châu Âu là của chung, nên phần đông đều như thế!”, Joachim vỗ vai tôi một cách thân tình như ngầm báo đó là chuyện nhỏ…

Thạc sĩ Trịnh bận việc phải về Phan Rang cùng với nhóm nghiên cứu bò sát. Trước khi lên xe, Trịnh bảo chúng tôi ghé thăm hang rái, làng Raglay nhờ họ dẫn trèo núi sau đó nên đi Vĩnh Hy và Bình Tiên. Nếu không đi hết khu vực này coi như chưa biết gì về khu bán hoang mạc của Việt Nam.

Đường lên Núi Chúa

Chúng tôi rời tổng hành dinh trong luyến tiếc. Cũng may gặp được một nhóm dân “phượt”, trên vai lỉnh kỉnh máy ảnh. Họ đã đến đây nhiều lần, được kỹ sư Phạm Văn Xiêm, Trưởng phòng bảo tồn vườn quốc gia Núi Chúa hướng dẫn, nên có vẻ khá thông thạo đường đi nước bước.

Trưởng đoàn của nhóm thanh niên này là một “Ta ba lô” có “số má” ở Việt Nam từng 3 lần leo đỉnh Fansipan. Anh tên là Nguyễn Hùng Sơn 30 tuổi, da ngăm đen, đầu quấn khăn rằng với thân hình lực lưỡng như con gấu mẹ vĩ đại. Sơn cho biết lên đỉnh núi Chúa còn khổ hơn leo nóc nhà Đông Dương ở ngoài Bắc, vì đường lên núi Chúa không dốc đứng hiểm trở như Fansipan, nhưng lại dài và loanh quanh qua hết đỉnh núi này sang đỉnh núi khác với cái nắng như nung, cây rừng cũng sắt se, cành nhỏ xíu, gai nhọn tua tủa, chạm vào chiếc lá cũng thấy nhói. Nhưng cũng nhờ thế mà mỗi cây xanh trên đá tự biến hình theo kiểu bonsai với hình thù đẹp mắt.

Chúng tôi khởi hành từ thôn Đá Hang thuộc làng Raglay, càng lên cao, cây cối xanh hơn và nhìn biển rõ hơn. Cứ qua một rừng cỏ tranh, lại thấy một đỉnh núi mới ngay trước mặt. Hùng Sơn nói đùa rằng để chinh phục đỉnh núi Chúa cao 1.040m, phải vượt qua 6 đỉnh núi khác là núi Chúa chắt, Chúa cháu, Chúa em, Chúa anh, Chúa chồng, Chúa vợ. Biết chúng tôi là người viết và có tuổi, nên hai cô gái trong đoàn luôn đi bên cạnh động viên vì sợ bỏ cuộc. Một cô nói: “Không ở đâu lạ như Núi Chúa chú ạ! Nơi đây quy tụ cả ba hệ sinh thái: rừng khô hạn, rừng xanh và hệ sinh thái rạn san hô. Ngoài những rạn san hô được đánh giá là đẹp và đa dạng nhất Việt Nam, còn có bãi Thịt là nơi rùa lên đẻ. Do khí hậu nóng và khô nên ở độ cao dưới 600m là rừng bán hoang mạc với những loài cây bụi, lá cằn cỗi đầy gai, nhưng từ 600m trở lên là rừng xanh với thảm động thực vật phong phú, và từ 800m trở lên là xuất hiện nhiều loại cây lá kim, như cây hoàng đàn giả, cây kim giao, thanh tùng, thông tre. Chúng cháu đi nhiều nơi chưa thấy ở đâu lạ như thế!”.

Trèo núi được hơn 1 giờ đồng hồ, cảm thấy không thể tiếp tục được nữa nên chúng tôi ra hiệu xin dừng lại, vì thực ra chúng tôi chưa chuẩn bị tâm lý và thực phẩm mang theo. Nên đành vẫy tay chào tạm biệt mang theo nỗi buồn của người thua cuộc.

3h chiều, chúng tôi quay về làng dân tộc Raglay nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia, ngồi dưới bóng câu điều uống nước mía và nhai mì tôm sống cầm hơi và cũng để thăm hỏi cuộc sống của bà con. Một người dân địa phương, tên là Lê Thành Công ngồi cùng bàn nước mía nói với chúng tôi bằng giọng buồn buồn “ Bà con Raglay ở đây đã bao đời, sống dựa vào rừng như làm ruộng, làm rẫy, lấy mật, lấy sáp và các loại lâm sản. Phụ nữ và trẻ em chặt củi bán. Đàn ông thường sống bằng nghề đốt than tại 8 thôn như: Cầu Gãy, Đá Hang, Kiền Kiền, Ấn Đạt, Suối Đá, Suối Giếng, Xóm Bằng, Xóm Đèn. Riêng thôn Đá Hang được hưởng chính sách từ chương trình 134, có nhà xây kiên cố. Nhưng đa số đóng cửa, để vào rừng kiếm sống. Ở nhà chỉ có phụ nữ nuôi con nhỏ và trẻ em. Chị Lâm Thị Vui, dân tộc Raglay, người bán nước mía nghe chuyện cũng tham gia: “Bà con tụi tui sinh ra ở rừng, lớn lên từ rừng mà không vào rừng kiếm ăn thì biết làm gì bây giờ...”.

Tám Công là người từng trải, kiến thức rộng, anh có vườn tại vịnh Vĩnh Hy, hàng ngày qua lại đường núi Chúa nên khá rành. Anh kể: Dạo năm 2005, một chuyên gia người Đức thuộc Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF) xách máy móc thiết bị đến đo mức độ khô hạn ở Vườn Núi Chúa. Ông ta đo tới, đo lui hằng giờ, không thấy đồng hồ đo nhúc nhích, ông tưởng máy hư, mở ra sửa. Nhưng thực tế máy không hư, nguyên nhân chỉ vì vùng đất này quá khô đến mức máy không thể lập trình được. Sau đó vị chuyên gia đánh dấu vào mấy thân cây cóc rừng để năm sau trở lại. Còn ở làng chài Thái An, có một người đàn ông nổi tiếng sát rùa, tên là Mười Nuôi. Ông Mười không nhớ mình đã lật lưng bao nhiêu rùa biển, chỉ biết rằng hơn 75 tuổi đời, 60 năm ăn thịt rùa, dân ở đây gọi rùa biển là đú. Do thành tích “quá hớp” nên người làng ở đây chẳng mấy ai còn nhớ cái tên Mười Nuôi của ông, mà họ chỉ gọi ông là Mười Đú. Thế nhưng, đến lúc tuổi già, giã từ nghề sóng nước, ông luôn sống trong cảm giác tội lỗi trước biển đời. Người đàn ông chuyên ăn rùa năm xưa, giờ lại tình nguyện đỡ đẻ cho rùa. Ngày ngày, ông theo vết chân rùa nối đuôi nhau lên bãi, tìm ổ trứng của chúng, khoanh vùng, canh giữ cho trứng nở. Có khi rùa đẻ trên sát mép nước, ông sợ nước triều lên, ổ trứng sẽ bị hư, ông lọ mọ dời ổ lên chỗ cao hơn. Đến khi rùa nở, ông lại tìm cách đưa chúng ra biển. Một vài người trong làng thấy ông vất vả đỡ đẻ cho rùa, họ cũng tình nguyện theo ông. Đến năm 2003, khi WWF Đông Dương tài trợ dự án bảo tồn rùa biển, Vườn Núi Chúa xây được một cái trạm nho nhỏ, lợp tôn nóng như “lò bánh mì”, nhưng cái trạm heo hút này đã trở thành chốn đi về của ông suốt 4 năm qua.

Vịnh Vĩnh Hy và bãi biển Bình Tiên đẹp đến mức mê hồn. Vĩnh Hy được hai dãy núi đá bao bọc ở giữa là hồ nước biển ra vào, hàng ngày có vài trăm thuyền cá neo đậu đủ sắc màu. Biển Bình Tiên đẹp như tranh vẽ, các hòn đảo xanh ngát bóng dừa. Nghe Tám Thạnh nói vùng Bình Tiên trên đất liền là của Ninh Thuận còn dưới biển là của Khánh Hòa.

 

2. Bãi Thịt, thôn Thái An

Bãi Thịt là một bãi biển đẹp lộng lẫy được hình thành giữa biển bao la và núi cao hùng vĩ, có bãi cát mịn dài hơn 2km, rộng 500m kéo dài từ bãi Ngang đến bãi Móng Tay ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận, thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa, hiện là một trong hai điểm của cả nước có quần thể rùa biển lên bờ đẻ trứng. Du khách đến đây đều hiểu rằng họ đang đặt chân lên "đất thiêng" của rùa biển. Đến đây ai cũng muốn thăm nơi rùa đẻ

Hang Rái, thôn Thái An

Hang Rái nằm trên cung đường tỉnh lộ 702, đoạn đường qua thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Đến đây du khách sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ song cũng đầy sự thanh bình của Hang Rái. Hang Rái là điểm đến đầy thử thách hấp dẫn thu hút những tay du lịch bụi, nhiếp ảnh gia hay những người thích quăng cần câu cá …..đến đây để khám phá hết nét đẹp của biển. Sau khi thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của đá, du khách còn có dịp ngâm mình trong bãi biển nhỏ bên cạnh. Hang Rái còn được xem là nơi có bãi san hô đẹp nhất. Với cặp kính lặn và ống thở, bạn có thể khám phá rặng san hô nổi trên mặt nước, kéo dài cả cây số.

 

                                                                                              Hang Rái - ảnh sưu tầm

 

4. Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải

Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm theo lộ 702, dọc bãi biển Ninh Chử, qua Đầm Vua, vượt  những cồn cát thấp, rừng cây bụi, băng qua con đường đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở cắt ngang vườn quốc gia núi Chúa hoang sơ, ta sẽ đến làng Vĩnh Hy, thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nằm lọt thỏm giữa ba bề núi rừng hoang dã, trước mặt là đại dương bao la.

Vùng biển đó chính là vịnh Vĩnh Hy. Nước biển nơi đây luôn trong xanh màu ngọc bích, sóng gợn lăn tăn với những bãi cát trắng phau, lấp lánh phơi mình trong nắng gió biển khơi...

Hàng năm, khách đến Vĩnh Hy nhiều nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Mặc dù, về mặt thời tiết thì suốt từ đầu năm cho đến hết tháng 9 đều rất phù hợp cho du khách bốn phương thưởng ngoạn thú chơi vùng biển này.
Đến khu du lịch Vĩnh Hy, mua vé 50.000 đồng/người hoặc bao nguyên chuyến tàu (tối đa 20 khách) với giá 800.000 đồng, du khách lên tàu đáy kính ra cửa biển, ngắm nhìn những dải núi sừng sững in trên nền trời xanh thẳm hoặc thích thú quan sát những đàn cá bơi lội bên những rạn san hô nhiều màu sắc, lung linh dưới đáy biển. Ghé bãi Bà Điên, du khách có thể tắm biển, chơi trò đắp cát và leo lên những vách núi đá theo những bậc chồng chất lên nhau. Đến bãi Đá Tròn, bạn sẽ có dịp ngắm nhìn và lựa, tìm thoải mái những viên đá lạ mắt, nhiều màu sắc, hằng hà sa số ven bờ... 

Câu cá tại vịnh Vĩnh Hy là một tiết mục hấp dẫn, với cần câu dây quăng, mồi là những con tép bằng nhựa dẻo. Tàu chạy chầm chậm, người câu chỉ việc tung dây câu xuống nước rồi canh chờ khi dây có động thì kéo lên. Câu cá theo kiểu nầy có tính chất giải trí, hên xui. Hai loại cá có khá nhiều ở khu vực biển Vĩnh Hy là cá thu và cá ngừ. Gặp may, du khách cũng có thể câu được những chú cá khá to, dư sức làm mồi nhậu… Khu vực bãi Tây Sa và hòn Bò Bò là nơi tàu hay đưa khách tới câu cá và ngắm nhìn san hô qua đáy tàu bằng kính trong suốt.

 Các Nhà hàng tại Vịnh Vĩnh Hy nằm gần bến tàu hướng nhìn ra vịnh, có sức chứa 200 khách. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn mang hương vị của biển với giá cả phải chăng; mỗi suất dành cho khách đoàn có giá từ 80.000đ - 120.000đ/người. Ngoài ra, ở đây cũng có vài nhà hàng nhỏ, quán ăn bình dân bán nhiều món đặc sản biển, du khách tùy chọn theo sở thích.

Ghẹ, cua biển hấp bia chấm với muối tiêu chanh là món đặc biệt được nhiều người ưa chuộng. Ốc vỗ là một món ngon độc đáo và phổ biến. Con ốc vỗ giống như ốc gạo nước ngọt, nhưng to hơn nhiều. Ốc vỗ luộc chín hoặc hấp với lá sả cho thơm, lể bằng tăm cứng chấm với nước mắm chua rất hấp dẫn. Khi ăn bạn phải cầm con ốc vỗ xuống bàn hoặc một vật có mặt bằng cứng thì sẽ lể ra nguyên phần ruột ốc rất dễ dàng. Không biết có phải vì vậy mà người ta gọi tên là “ốc vỗ”.
Ở vùng biển nầy còn có các hải sản độc đáo như ốc vú nàng, sò điệp, nhum, gỏi cá mai, cá lồi hấp cuốn, lẩu cháo cá chẻm, cháo hàu...

Đã đến Vĩnh Hy, vùng vịnh nằm cạnh Vườn Quốc gia Núi Chúa để thưởng ngoạn thú vui xứ biển sao ta không ghé vào thăm khu rừng với hệ sinh thái gồm nhiều sinh thực vật phong phú và cảm nhận khoan khoái bầu không khí trong lành ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt biển.

Đi xe lên triền núi đến khi gặp cây cầu treo bắc qua suối Lồ Ồ, khách đi bộ qua cầu tiến vào một đoạn sẽ gặp một xóm người dân tộc Răglây. Nơi đây thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa, suối Lồ Ô nước trong vắt mát lạnh, bắt nguồn từ những khe, lạch nhỏ trên núi, chảy luồn lách, xuyên qua rừng cây thâm u. Có rất nhiều hoa mua, trâm ổi, sim, bằng lăng nở dọc ven bờ  suối trông rất nên thơ, lãng mạn.

Khi màn đêm buông xuống, du khách có thể nghỉ lại trong buôn của bà con người Răglây, thưởng thức rượu cần giữa khung cảnh hoang dã của núi rừng bên bếp lửa bập bùng huyền ảo; hoặc trở xuống vịnh, thả bộ dọc ven bờ hít hơi gió biển và ngắm nhìn những đốm sáng lấp loáng, nhấp nhô từ những tàu thuyền đánh cá như một thành phố tận phía chân trời xa. Và, nếu muốn, du khách cũng có thể tham gia một chuyến câu mực ban đêm trong vịnh thú vị biết bao.

Không gian Vĩnh Hy với biển và núi rừng yên ả, thanh bình sẽ để lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên. Nằm giữa làng Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải. Đây là nơi còn giữ lại nhiều nét hoang sơ do thiên nhiên ban tặng với một quần thể cảnh quan xinh đẹp, hùng vĩ bao gồm những bãi cát trắng bao quanh, những dãy núi đá cao chót vót và những dòng suối róc rách len lỏi giữa rừng cây xanh bạt ngàn. Đây là vùng biển khúc khuỷ nhất Việt Nam với những rạn đá san hô muôn hình vạn trạng, những hang động bí ẩn dụ dỗ các du khách ưa thích các cuộc thám hiểm kỳ thú. Đến đây du khách có thể tắm biển, tắm suối, câu cá, hít thở không khí trong lành, khám phá những hang động, rừng cây; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đá hoặc tham quan cảnh đẹp của vịnh Vĩnh Hy bằng tàu thuyền, ca nô, leo núi, cắm trại, xem san hô bằng tàu đáy kính.

Truyền thuyết Vịnh Vĩnh Hy

Đứng trên đèo cao quan sát, vịnh Vĩnh Hy được ôm ấp trong lòng núi bình lặng. Suối Lồ Ồ chảy từ trên núi xuống như một dải lụa trắng mềm mại, thoắt ẩn, thoắt hiện, vắt qua núi, đổ xuống vịnh. Một ngư dân ở đây kể cho chúng tôi nghe về một truyền thuyết của Vĩnh Hy. Ngày xưa, vịnh này gọi là Vũng Găng. Ở đây, có một chàng ngư phủ tên Vĩnh Hy. Trong những đêm trăng thanh gió mát, chàng trông thấy một nàng tiên có đôi cánh trắng đến tắm ở đây. Một hôm, chàng nhẹ nhàng bơi đến bên nàng tiên, hai người kết tóc xe duyên, sống hạnh phúc trên Vũng Găng. Một hôm tối trời, chàng ngư phủ dong truyền đi đánh cá ở vùng đá vách thì trời nổi cơn thịnh nộ. Giông tố, sóng gió kéo đến. Nàng tiên ở nhà, không thấy chồng về, lên đỉnh Núi Chúa mòn mỏi trông tin chồng. Dòng nước mắt của nàng tuôn xuống thành suối Lồ Ồ, chảy cho đến bây giờ. Cũng từ đó, Vũng Găng được gọi là vịnh Vĩnh Hy. Hiện nay, Vĩnh Hy, suối Lồ Ồ chưa được đầu tư nhiều, tuy vậy đây là một điểm đến ưa thích của du khách gần xa. Đến đây, bạn được đắm mình trong bản nhạc của suối Lồ Ồ, bản nhạc của suối, của tiếng chim dội vào vách đá. Phóng tầm mắt ra xa, vịnh Vĩnh Hy mời gọi du khách chinh phục trên chiếc tàu du lịch của công ty Hoàn Cầu được thiết kế độc đáo, đáy bằng kính trong suốt. Du khách tha hồ ngắm nhìn những rặng san hô như những đoá hoa muôn sắc của đại dương, tận hưởng sự mới lạ ở những chặng dừng chân như bãi Bà Điên, bãi Đá Tròn…

Đi tắm biển Bà Điên

Đến với Phan Rang, ngoài các điểm tham quan quen thuộc như tháp Chăm PokLongGiai, bãi biển Ninh Chử, đồi cát Nam Cương, vườn nho... nay thêm một điểm du lịch đầy thú vị và gây ấn tượng với du khách: du thuyền trên vịnh Vĩnh Hy, ngắm san hô và tắm biển Bà Điên.

Ra vịnh là vào buổi sáng khí trời rất dễ chịu, thích hợp cho chuyến du ngoạn trên sông nước. Đi xe đến nơi neo thuyền, đoạn đường khoảng hơn 30 km, mỗi chiếc thuyền máy có thể chở được 20 - 25 người đi thẳng ra bãi tắm Bà Điên. Nguồn gốc của tên bãi tắm bắt nguồn từ chuyện người vợ trẻ chờ chồng đến hóa điên và chết. Cảnh trên vịnh hiền hòa, thơ mộng sẽ là phông nền cho những bức ảnh đẹp chụp từ nhiều góc độ.

Đây là bãi tắm ít có bàn tay con người can thiệp vào, thích hợp với những ai muốn tìm về với thiên nhiên, tìm về khoảng trời trong lành yên tĩnh. Chỉ có đá, cát, sóng biển và... bạn. Chưa có dịch vụ thuê dù, ghế, tắm nước ngọt hay bán thức ăn đồ uống. Do đó, nếu bạn muốn ở đây lâu một chút thì nên chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết. Người dân rất hiền và thân thiện, họ vui vẻ cởi mở khi tiếp xúc.

Truyền thuyết kể rằng: Xưa có một gia đình sống trên bãi biển này. Một ngày kia, chồng đi biển mãi không thấy về. Bà ngóng chờ chồng trong nỗi đau tột cùng và hoảng loạn nên đã hóa điên cho đến chết. Bãi biển từ đó có tên: Bà Điên.

Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm muốn đến bãi tắm Bà Điên, phải đi theo tỉnh lộ 702 quanh co qua những ruộng muối trắng, uốn lượn theo địa hình những ngọn núi đá để đến vịnh Vĩnh Hy. Tại đây, khách thuê thuyền ra khỏi vịnh rồi men theo trường thành đá để đến bãi tắm Bà Điên. Cho dù đường đến bãi tắm này khá cách trở, và ở đó không có bất cứ dịch vụ gì. Vậy mà bãi tắm Bà Điên vẫn thu hút nhiều du khách. Nhiều người đến đây phần vì tò mò bởi cái tên gọi lạ tai và sẵn dịp khám phá vẻ đẹp hoang sơ trên bãi biển cát trắng mịn màng này...

Nhìn từ xa, bãi tắm Bà Điên lọt thỏm trong những  trường lũy đá cao vút, thẳng đứng. Du khách chỉ nhìn thấy một bờ cát trắng chạy dài. Còn ngồi trên thuyền, khách sững sờ trước những khối đá có hình thù kỳ quái với những bờ đá cao hàng chục mét so với mực nước biển như một trường thành ngăn gió, sự hung tợn của biển cả vào mùa mưa bão. Các mặt đá không bằng phẳng, mà có hình dáng như bị cuộn lạị, nứt gãy tạo nên những khe núi sâu và thành nơi trú ngụ cho những đàn yến. Nhiều người chọn đến bãi tắm Bà Điên vì sự sạch sẽ và nét hoang sơ vốn có ở đây. Tất cả sẽ mang lại cho du khách sự thư thái, yên tĩnh để được, hòa mình vào thiên nhiên biển cả. Bản hợp xướng âm thanh của sóng biển, tiếng gió rì rào, và những tiếng gọi lao xao của đàn yến dội vào từ biển khơi sẽ càng làm cho không gian thêm thú vị. 

Thêm nữa, ở đây không có dịch vụ du lịch nào, cũng không có người địa phương sinh sống, nên khách vô cùng thoải mái, không bị sự quấy rầy. Nằm dưới gốc cây, phơi mình trên bãi cát trắng mịn và bên tai là bản giao hưởng thiên nhiên du dương từ tiếng sóng, tiếng gió, du khách như quên đi hết những mệt nhọc, phiền muộn của cuộc sống.

Nếu muốn qua đêm tại đây phải chuẩn bị lều trại và thức ăn, nước uống. Tuy nhiên, tại bến thuyền du lịch trên vịnh Vĩnh Hy có bán đầy đủ. Khách có thể mua hải sản tại các ghe biển của ngư dân với giá vừa phải, tươi ngon. Đêm trên bãi biển hoang sơ và xinh đẹp cùng bạn bè, người thân quay quần bên đám lửa bập bùng cùng nướng hải sản, nhâm nhi thì “tuyệt vời”. Giữa thiên nhiên xinh đẹp bên cạnh những người mình yêu thích, cuộc sống trở nên đáng yêu và đáng sống hơn. Đó là lúc người ta lấy lại cân bằng giữa cuộc sống bộn bề, đầy lo toan. 

Với những người yêu thiên nhiên, yêu biển, bãi tắm Bà Điên là điểm đến tuyệt vời nhất. Ở đó, con người trở về với thiên nhiên, không ánh điện, không có kiến trúc hiện đại. Ngày chỉ có nắng và gió. Đêm chỉ có gió và trăng. Mặt biển xanh mênh mông với những con sóng dịu dàng xô vào bờ cát trắng. Không biết ai là người đầu tiên đã ưu ái, ban tặng cho bãi tắm tên là “Nàng tiên cá của miền duyên hải”. Hiện nay, chính quyền Ninh Thuận đang đầu tư kinh phí làm tuyến đường ven biển dài khoảng một trăm cây số để đánh thức tiềm năng du lịch khu vực này. Khi đó bãi tắm Bà Điên sẽ càng được nhiều người biết đến. Chỉ sợ du khách lại đổ xô đến đây làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ vốn có. Những người đã “phải lòng” Bà Điên, lỡ đem lòng yêu “nàng tiên cá duyên hải” mong chính quyền sẽ không mang những thứ hiện đại, xô bồ áp đặt lên bãi tắm này mà vẫn giữ cho nó vẻ đẹp dung dị, tự nhiên tức là những quán xá, công trình kiến trúc sẽ nằm lại đất liền để nơi đây vẫn là điểm đến thiên nhiên, làm điểm nhấn cho du lịch địa phương.

5.Mũi Đá Vách:

Du khách có thể tiếp cận mũi Đá Vách bằng hai cách, cách thứ nhất là đi tàu, thuyền từ vịnh Vĩnh Hy lên, cách thứ hai là đi bộ từ làng chài phía bắc vịnh Vĩnh Hy. Khung cảnh của bãi Đá Vách khá hùng vĩ với những đợt sóng lớn tung bọt trắng xóa đập vào vách đá có độ cao từ 20-30m sừng sững dựng đứng nhô ra biển tạo thành một bức tường lớn đối chọi với sóng biển.

6. Suối Lồ ồ:

Nằm ở khu vực vịnh Vĩnh Hy. Suối Lồ ồ là 1 bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, được hình thành bởi những thác nước có cảnh quan đẹp với chiều cao không quá 5m, nền đá hoa cương được dòng nước tự nhiên gột dũa, mài nhẵn tạo nên những phiến đá to bằng phẳng, là nơi dừng chân lý tưởng của du khách, rồi những dãy núi, rừng cây và cả một bầu không khí trong lành, xanh, mát ... làm cho sối Lồ ồ ngày càng hấp dẫn du khách gần xa. Nơi đây rất phù hợp cho lọai hình du lịch cuối tuần.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Núi Đá Chồng(14/05/2015 8:16 CH)

Núi Đá Chồng(14/05/2015 8:16 CH)

Hang Rái(07/03/2015 8:03 CH)

Núi Cà Đú (31/01/2015 8:00 CH)

ĐẦM NẠI NINH HẢI(31/01/2015 8:00 CH)

67 người đang online
°