Ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên môi trường mạng xã hội

Đăng ngày 31 - 08 - 2023
Lượt xem: 386
100%

Trong những năm trở lại đây, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người. Tuy nhiên, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi”, một mặt mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực; mặc khác, với tính chất “mở”, mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động tiến hành thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Điều này đặt ra không ít thách thức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ trương, đường lối của Đảng, thành quả của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên môi trường mạng xã hội là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm

sai trái, thù địch trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: TL.

Nhận diện một số thủ đoạn

Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, việc sử dụng mạng xã hội đã gia tăng đột biến. Theo thống kê mới nhất của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu), đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng in-tơ-nét (chiếm 79,1% tổng dân số). Trong đó, số người dùng mạng xã hội đạt 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Thời gian sử dụng in-tơ-nét trung bình hằng ngày (trong độ tuổi 16-64) là 6 giờ 47 phút, trong đó 2 giờ 21 phút là thời gian cho mạng xã hội. Với sự cải tiến không ngừng về giao diện, kết nối, ứng dụng, khả năng tương tác của mạng xã hội, người dùng có thể thuận lợi, dễ dàng tiếp cận thông tin; thể hiện bản thân, giao lưu, gắn kết cộng đồng, chia sẻ tình cảm; khám phá và trải nghiệm cuộc sống… ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Mạng xã hội đã thực sự trở thành “món ăn tinh thần” của mọi người.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, mạng xã hội có tác động hai mặt đến đời sống xã hội của con người. Bên cạnh những tiện ích to lớn đem lại cho người dùng, mạng xã hội gây ra không ít những tác động tiêu cực, đặc biệt trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng triệt để mạng xã hội để tiến hành tuyên truyền thông tin xấu, độc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện âm mưu chống phá trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng một số thủ đoạn sau:

1. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để ưu thế nổi trội của các trang mạng xã hội có lượng lớn người sử dụng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube… biến thành công cụ đắc lực thực hiện âm mưu chống phá. Chúng bám sát rất kỹ vào các biến động tình hình đời sống xã hội Việt Nam. Chúng luôn tìm các sự kiện “nóng” diễn ra trong xã hội được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm; các sơ hở, sai phạm và bức xúc của xã hội để tung ra nhiều bài viết xuyên tạc, bịa đặt, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, chủ quyền, đất đai, quốc phòng - an ninh… bị các đối tượng thù địch cắt ghép, pha trộn thông tin thật - giả nhằm làm nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang cho người đọc, kích động gây rối an ninh, trật tự.

2. Tạo lập các tài khoản giả mạo các trang mạng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đăng tải các thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Nguỵ tạo thông tin, giả danh các trang mạng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng cách cắt ghép hình ảnh của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cao cấp gắn với những phát ngôn gây “sốc” để đánh lạc hướng dư luận. Đây đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin và ẩn chứa những động cơ đen tối. Người tiếp xúc với các trang mạng này do thiếu kỹ năng nên không biết đây là trang giả mạo, mà nghĩ đây là trang chính thức của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước nên các trang đăng tải thông tin này được nhiều người đọc theo dõi, vì thế các thế lực thù địch lợi dụng để gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.

3. Lợi dụng một số vấn đề liên quan đến nhân quyền, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng thành lập các tài khoản, fanpage phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu độc, phản động, từ đó lôi kéo, kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn và có các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong thời gian qua, chúng kích động, “hà hơi tiếp sức” cho những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” để biểu tình gây rối trật tự, trị an; “triệt để lợi dụng các vụ án phức tạp, nhạy cảm để kích động, xuyên tạc, quy kết, vu cáo Đảng, Nhà nước yếu kém, đả kích các cơ quan tư pháp, kích động “bất tuân dân sự” trong xã hội”[1]. Chúng lúc ngấm ngầm, lúc công khai ra mặt tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị hòng làm giảm uy tín và niềm tin đối với Đảng, chế độ. Chiêu bài của chúng là tung ra một bài viết có nội dung bảo vệ Đảng hay một cán bộ cấp cao nào đó của Đảng, Nhà nước, rồi để mặc nhiên cho các phần tử phản động, thù địch vào bình luận, chia sẻ những thông tin trái chiều không đúng sự thật.

4. Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn đăng tại nội dung, thông tin giả mạo, xấu, độc; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác. Sự tinh vi của các thế lực thù địch, phản động được thể hiện ở chỗ, chúng trích dẫn cắt xén, thông tin nửa vời những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đan cài bằng những quan điểm giả danh mác-xít, làm cho người đọc mất phương hướng, lẫn lộn, không phân biệt được đúng - sai.

Đối tượng tác động, lôi kéo của hoạt động âm mưu chống phá của các thế lực thù địch thường hướng tới là tầng lớp trí thức; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái tư tưởng chính trị; văn nghệ sĩ; thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là đội ngũ thanh thiếu niên vì đây là những thế hệ tương lai của đất nước. Lợi dụng bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, các đối tượng thù địch không ngừng rao giảng, đề cao tư tưởng phương Tây, khoác áo “khách quan học thuật”, “văn hóa, văn minh” để quảng bá về cái gọi là “các giá trị phương Tây” nhằm làm phai nhạt lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ.

Ảnh minh hoạ.

Những nguy cơ và thách thức

Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó khăn và phức tạp, bởi sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng diễn ra tinh vi, khó lường, khó nhận diện hơn. Đặc biệt, với sự bùng nổ của cách mạng 4.0, sự phát triển của mạng xã hội với số lượng người dùng khổng lồ đã trở thành công cụ hữu ích, được các đối tượng thù địch sử dụng triệt để nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Đấu tranh các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong không gian thực đã khó, việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên và thành tựu cách mạng trên không gian mạng lại càng khó khăn hơn gấp bội phần, bởi tính lan toả nhanh chóng của thông tin trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy, trên các nền tảng mạng xã hội không có “bộ lọc”, trong khi các thông tin trên mạng xã hội khó kiểm chứng và kiểm soát, rất nhiều thông tin xấu, độc, thông tin giả đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý của quần chúng nhân dân, cản trở việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây bất ổn chính trị - xã hội.

Các thế lực thù địch đã tăng cường sử dụng mạng xã hội để tung những thông tin sai lệch về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lôi kéo, kích động người dân tiến hành các hoạt động biểu tình, gây mất trật tự xã hội nhằm làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Thực tế cho thấy, những thông tin mang tính giật gân, tiêu cực, mang tính phản cảm thường có thu hút đông đảo người xem, chia sẻ.  

Có thể thấy rằng, sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ dừng lại, và hoạt động của chúng được tiến hành ngày một tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và mục đích rõ ràng. Trong khi đó, “việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản, in-tơ-nét, mạng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu”[2]. Cùng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chạy theo lối sống thực dụng. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là một nhiệm vụ cấp bách để phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống tinh thần của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1-2021) tiếp tục khẳng định: “Tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”[3].

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của việc đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên môi trường mạng xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tăng cường năng lực quản trị an ninh mạng, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị khoá XII về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới… Trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, bên cạnh những thuận lợi sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, làm xuất hiện những khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng những khó khăn đó để đẩy mạnh quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy, để ứng phó, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng xã hội hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý không gian mạng quốc gia phù hợp với xu thế phát triển, tạo môi trường không gian mạng lành mạnh.

Trong tình hình mới, để quản lý tốt, cần có sự phối, kết hợp đồng bộ, thống nhất và phù hợp của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước và các bộ, ban, ngành, địa phương về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch. Cần có các giám sát phù hợp với các công ty đang hoạt động trên môi trường in-tơ-nét, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ mạng xã hội và truyền thông xã hội; có các điều kiện trong quản lý các hoạt động trên in-tơ-nét đảm bảo chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Cần có chế tài và biện pháp xử lý nghiêm minh, có tính răn đe để cảnh báo cũng như kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Có biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi những trang mạng có nội dung xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, kết hợp với chủ động cung cấp thông tin, tăng cường giải thích, đối thoại, tháo gỡ khó khăn kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, tiêu cực trên mạng xã hội.

Thứ hai, nhìn nhận đúng tính chất hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực để đưa ra giải pháp ngăn chặn có hiệu quả những hành vi lợi dụng mạng xã hội để tác động đến ổn định chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức cho người sử dụng.

Để phát huy thế mạnh cũng như ngăn ngừa, khắc phục những mặt tiêu cực của mạng xã hội, cần phải nhìn nhận đúng về mạng xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để có phương thức ứng xử phù hợp với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Chú trọng tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm khi tham gia các nền tảng mạng xã hội cho người dùng. Tiếp tục thực hiện tốt Luật An ninh mạng năm 2018, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (của Hội Nhà báo Việt Nam), Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, của Bộ Thông tin và Truyền thông). Đặc biệt, giáo dục định hướng giá trị để người dân khi sử dụng mạng xã hội, trong đó hết sức quan tâm đến lực lượng thanh, thiếu niên - là lực lượng tích cực nhất trên các mạng xã hội có ý thức cảnh giác, chủ động kiểm chứng thông tin để nhận diện đúng - sai, nâng cao “sức đề kháng” để có thể bảo vệ những giá trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc trước những thông tin không chính xác, dung tục, phản cảm, thông tin có ý đồ xấu.

Kịp thời chấn chỉnh trật tự, kỷ cương, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Cần xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng mạng xã hội phát tán thông tin sai lệch, có nội dung xấu, độc, sai sự thật về Đảng, Nhà nước và chế độ. Có biện pháp ngăn chặn, triệt phá, vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội.

Thứ ba, sử dụng ưu thế của mạng xã hội trở thành phương tiện, cách thức hữu hiệu đấu tranh, phản bác thông tin sai lệch.

Cần tận dụng, phát huy vai trò tích cực của mạng xã hội để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp kịp thời các thông tin chính thống, mang tính định hướng để chủ động “phản bác” thông tin sai lệch, giành ưu thế trong cuộc chiến tranh mạng. Lựa chọn một số luận điểm, có ảnh hưởng tư tưởng lớn, từ đó chủ động đấu tranh với nhiều hình thức phong phú. Sử dụng ngôn từ chuẩn xác, lập luận mạch lạc, khúc chiết.

Phát huy vai trò của các cá nhân và tổ chức, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có khả năng thu hút người xem, nghe, bình luận, chia sẻ để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Tăng cường và đa dạng hoá các hình thức truyền tải các thông tin tích cực về thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước; những tấm gương người tốt, việc tốt; những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc nhằm lan toả những điều tích cực đến mọi người với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, ngăn chặn, đẩy lùi những tác động tiêu cực trước các quan điểm sai trái, thù địch.

Mở các diễn đàn, hội, nhóm, tạo ra lực lượng bảo vệ đông đảo chiếm ưu thế trên không gian mạng. Xây dựng hình ảnh, video clip về các nội dung tích cực để giành thế chủ động, kịp thời, hiệu quả. Không để chúng lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài.

Thứ tư, cần chú trọng đầu tư kinh phí cho hoạt động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng. Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội.

Nâng cao nhận thức đối với hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đặc biệt là các lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Có chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với các chuyên gia an ninh mạng, học sinh, sinh viên chuyên ngành an toàn thông tin, an ninh mạng.

Thứ năm, tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng.

Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia, tổ chức trên thế giới về xây dựng chính sách, thể chế quản lý và thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và an toàn, an ninh thông tin, phòng, chống chiến tranh thông tin trên không gian mạng. Tranh thủ sự giúp đỡ của các nước và tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc; thu hút đầu tư, tài trợ quốc tế trong việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh. Chú trọng công tác hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng. 

Nguồn: Tạp chí xây dựng Đảng

Tin liên quan

Khai mạc Huấn luyện Lực lượng dân quân năm thứ nhất cho 03 xã Tân Hải, Hộ Hải, Xuân Hải(22/06/2023 3:27 CH)

Xuân Hải: Phát huy hiệu quả Mô hình Tổ tuần tra Cơ động phòng, chống tội phạm, làm nòng cốt trong...(15/08/2022 10:38 SA)

Công an huyện Ninh Hải: Khắc phục điều kiện thời tiết khó khăn, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu cấp...(08/08/2022 10:08 SA)

Ninh Hải: Tổ chức “ Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2022(05/08/2022 4:11 CH)

Tin mới nhất

Khai mạc Huấn luyện Lực lượng dân quân năm thứ nhất cho 03 xã Tân Hải, Hộ Hải, Xuân Hải(22/06/2023 3:27 CH)

Thông báo kết quả trúng tuyển kỳ xét tuyển công chức cấp xã năm 2022 đối với chức danh Chỉ huy...(19/01/2023 3:18 CH)

Ninh Hải: Tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.(29/08/2022 9:58 CH)

Xã Nhơn Hải Tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2022(18/08/2022 2:16 CH)

Xuân Hải: Phát huy hiệu quả Mô hình Tổ tuần tra Cơ động phòng, chống tội phạm, làm nòng cốt trong...(15/08/2022 10:38 SA)

139 người đang online
°